Đa số ĐBQH tán thành việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tại dự thảo Luật còn có 8 nội dung giao Chính phủ và 4 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết là quá nhiều. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát, có thể bổ sung một số quy định chi tiết ngay trong Luật, hạn chế các nội dung giao cho văn bản dưới luật và bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết còn thiếu. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn liên quan đến hơn 12 luật khác, nên một số quy định cần tiếp tục được rà soát để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm tại dự thảo Luật là nhiều chính sách chưa được đánh giá tác động, trong đó có chính sách bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc – nội dung đặc biệt quan trọng đến sức khỏe và tính mạng nhân dân.
ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu rõ, hiện nay tình trạng quảng cáo tràn lan thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong khi được khuyến cáo không phải là thuốc chữa bệnh và chất lượng cũng khó có thể kiểm soát. Do đó, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về đăng ký kinh doanh, chất lượng đối với thực phẩm chức năng nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho rằng, dự thảo Luật lần này đưa chính sách về bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc quảng cáo thuốc là chưa hợp lý. Bởi, thứ nhất, thuốc chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, giảm nhẹ bệnh hoặc điều chỉnh các chức năng sinh lý của cơ thể và kinh doanh thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện. Thứ hai, việc nhiều quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các loại liên quan đến thuốc hoặc tương tự như thuốc dẫn đến loạn thông tin cho những người tiếp nhận thông tin từ sản phẩm quảng cáo. Thứ ba, người tiếp nhận và tìm hiểu thông tin từ sản phẩm quảng cáo thông qua các phương tiện quảng cáo thường là người bệnh, hoặc có người nhà bị bệnh mang tâm lý “chữa được khỏi bệnh là được”.
Bên cạnh đó, Khoản 5, Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo là thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc. Điểm a, Khoản 4, Điều 20 Luật này cũng quy định quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện, đó là: quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.
Như vậy, quảng cáo thuốc được thực hiện theo quy định của pháp luật về y tế, tức là Luật Dược. Trong khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lại quy định việc quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của pháp luật quảng cáo về quy định này. Do đó, ở đây có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến thông tin thuốc, quảng cáo thuốc là vô cùng cần thiết và phải được đánh giá hết sức kỹ lưỡng, bởi thuốc là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người.