Bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 28.8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên; quy định căn cứ dự báo hàng năm để có phương án điều hòa, phân phối hợp lý; trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình (khoản 2 Điều 36), giải pháp phi công trình (khoản 3,4 Điều 36); bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước (khoản 3, 5 Điều 36); bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước (khoản 5 Điều 36).
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2 Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung một chương quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; điều kiện năng lực của đơn vị cấp nước; phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước; hợp đồng mua bán nước; chế tài xử lý vi phạm trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; ứng phó đối với các sự cố về nước, cấp nước…
Thường trực Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và bảo đảm chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 44 dự thảo Luật; các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước. Do đó, Thường trực Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị không bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng việc cấp nước cho sinh hoạt cần quy định sát thực tiễn, ngoài những nhà máy nước tập trung thì vẫn phải kết hợp với những trạm cấp nước quy mô nhỏ để đảm bảo phù hợp điều kiện ở nông thôn; tách hai chủ thể khai thác và sử dụng tài nguyên nước để có quy định quản lý phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định việc cấp nước sinh hoạt ở cả hai quy mô cấp nước tập trung kết hợp với phân tán tại khoản 3, Điều 44 và tách riêng nội dung quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật.
Cần cấm hẳn việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, trong dự thảo Luật, quy định việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông là vấn đề quan trọng liên quan đến an toàn hệ sinh thái, tôn trọng tự nhiên và bảo vệ sinh thái tự nhiên. Do đó, nếu tiếp tục cho phép chuyển nguồn nước dù có kiểm soát thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong lưu vực sông. Do đó, cần cấm hẳn việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông và có thể đưa nội dung này vào Luật.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị, xem xét bổ sung Điểm d, Khoản 2, Điều 44 về việc thực hiện giám sát tự động, liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung. Đồng thời, giám sát tự động, liên tục chất lượng nước sau xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân. Việc giám sát tự động, liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp sẽ bảo đảm giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp nước sạch cho người dân. Bởi, nguồn nước đầu vào nước sinh hoạt cho người dân hiện chưa được kiểm soát, rất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dù các đơn vị cấp nước sinh hoạt cho người dân đã thực hiện giám sát chất lượng nước định kỳ song chưa được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, quản lý, kết quả phân tích cũng chỉ cung cấp khi thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm. Do đó, chất lượng nước cấp cho người dân chưa được quản lý và giám sát chặt chẽ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận và có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.