Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định 99/2019/NĐ-CP thực thi Luật giáo dục đại học để lấy ý kiến góp ý. Dự thảo lần này được điều chỉnh đều liên quan tới vấn đề nhân sự trong thực thi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ về dự thảo này.
Vướng mắc quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng
-Thưa GS, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/NĐ-CP sau 3 năm triển khai vì nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Là chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đại học, ý kiến của GS như thế nào về dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Dự thảo Nghị định lần này có 10 sửa đổi có liên quan đến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bao gồm: Thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học; Điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học; Về thủ tục thành lập Hội đồng trường (HĐT) đối vơi trường mới thành lập và cuối nhiệm kỳ HĐT của các trường đã có HĐT trong đó có quy định về tập thể lãnh đạo trường (một khái niệm mới); Thủ tục thay thế Chủ tịch và thành viên HĐT; bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên HĐT trong các trường công và trong các trường thuộc đại học; Về vai trò và quyền hạn của cơ quan quản lý trực tiếp của trường đại học; Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học; về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; về quyền tự chủ đại học trong lĩnh vực tài chính, tài sản và về trách nhiệm giải trình của các trường đại học.
Có thể ghi nhận những cố gắng của Bản dự thảo trong việc tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện Luật Giáo dục đại học (đã sửa đổi).
Tuy vậy, cũng có thể nói những thay đổi này mới chỉ đề cập đến các thủ tục về mặt tổ chức mà chưa giải quyết được những vướng mắc cốt lõi về các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa HĐT và Hiệu trưởng (HT), giữa đại học và trường đại học trong công tác quản trị đại học; tổ chức của một đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục đại học và do đó chưa thể tháo gỡ được các vướng mắc trong việc thực hiện Luật.
-Vậy cốt lõi vướng mắc giữa mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, giữa đại học và trường đại học trong công tác quản trị đại học là như thế nào thưa GS?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Chính là ở chỗ chưa phân biệt được trách nhiệm lập kế hoạch chiến lược, xây dựng chính sách ở cấp khái quát, mang tính định hướng của Hội đồng trường là cao hơn so với các quy định cụ thể về được phép làm những gì, không làm gì do hiệu trưởng ban hành.
HĐT chịu trách nhiệm xây dựng hệ sinh thái cho nhà trường đổi mới, đồng thời hiệu trưởng chịu trách nhiệm triển khai các đổi mới đó. Cả HĐT và HT cần nhận thức được sự cấp bách phải thay đổi để phát triển trong bối cảnh mới và trách nhiệm của mỗi bên trong việc đổi mới nhà trường như vậy đã rõ ràng.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐT cần có một vai trò hạn chế, chỉ được quyết định khi đã có ý kiến của đa số thành viên HĐT (theo quy định) trong khi HT cần có sự quyết đoán và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nhưng HT phải thực hiện Nghị quyết của HĐT.
Hiệu trưởng là người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất về chuyên môn, học thuật
-Sửa đổi Nghị định lần này thì liệu vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng có được thực hiện như quy định không thưa GS, bởi thực tế, hiệu trưởng hiện nay vẫn nắm quyền cốt lõi và quan trọng trong hoạt động của nhà trường?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Như trên tôi đã trình bày, Dự thảo chủ yếu mới chỉ quan tâm đến quy trình tổ chức bộ máy quản trị của Nhà trường trên nền tảng gỡ rối các vấn đề thành lập mới hoặc nhiệm kỳ mới của Hội đồng trường mà chưa đi sâu vào giải quyết các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa HĐT và hiệu trưởng, giữa đại học và trường đại học trong công tác quản trị đại học nên chưa giải quyết được như kỳ vọng.
Tuy vậy, cũng phải nhấn mạnh một điều là về nhận thức thì nên quan tâm đến cả ba bên: Nhà nước, HĐT và hiệu trưởng.
Hiệu trưởng với tư cách người điều hành công việc thường xuyên của nhà trường trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất về chuyên môn và học thuật. Đây là những quyền cốt lõi và quan trọng mà hiệu trưởng phải đảm nhận nhưng cũng là những việc mà HĐT không nên can thiệp trực tiếp.
HĐT chịu trách nhiệm tập thể về chủ trương chiến lược, chính sách và điều rất quan trọng là hoạch định những đổi mới của nhà trường kể cả trong những lĩnh vực chuyên môn và học thuật để bắt kịp đòi hỏi của xã hội, người học và thị trường lao động, phòng ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình đổi mới và chịu trách nhiệm về những hoạch định đó.
-Thời gian qua đã xảy ra những tình huống nhiều trường không kiện toàn được hiệu trưởng bởi vì không tổ chức được Đại hội Đảng, không bầu ra được cấp uỷ mới… nên ảnh hưởng nhiều đến vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy. Dự thảo sửa đổi lần này, cần sửa như thế nào để tháo gỡ được tình trạng này thưa GS?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Về vai trò lãnh đạo và việc thực thi vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhà trường đại học công tự chủ và cụ thể là việc tổ chức Đại hội Đảng bộ, về nhân sự đại hội là việc của tổ chức Đảng, cần được Ban Bí thư quy định và trách nhiệm của tổ chức Đảng trong việc chậm trễ bầu ra cấp ủy mới cũng cần được Ban Bí thư quy định rõ.
Điều này vượt khỏi phạm vi của một Nghị định của Chính phủ nên Dự thảo, về cơ bản, chưa tháo gỡ được tình trạng này.
-Cũng do vướng về quy định nên còn nhiều trường đại học chưa bầu được hiệu trưởng. Theo GS nguyên nhân vì sao lại như vậy?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Theo những gì tôi biết được thông qua trải nghiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học thì chủ yếu do nhận thức về vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của HT trong mối quan hệ với Đảng ủy và HĐT cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được các thực hành tốt nhất trong việc thực thi mối quan hệ này để các trường học hỏi.
Nên làm rõ ràng khi nào cơ quan quản lý bổ nhiệm
-“Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ…” đây là điểm mới so với quy định cũ. Ý kiến giáo sư như thế nào?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Đây có lẽ là một điểm mới so với quy định cũ nhưng lại là một điểm cũ nếu chúng ta nhìn lại quá khứ khi còn khái niệm cơ quan chủ quản.
Tôi đề nghị nên làm rõ ràng khi nào thì cơ quan quản lý (CQQL) bổ nhiệm và khi nào thì công nhận Hiệu trưởng. Thực ra không quá phức tạp. CQQL nên thể hiện vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của họ.
Với trường mới thành lập thì CQQL nên bổ nhiệm hiệu trưởng (có thời hạn). CQQL cũng cần bổ nhiệm hiệu trưởng nếu sau một thời hạn nhất định (theo quy định) mà tập thể nhà trường không đề xuất được hiệu trưởng mới.
Trường hợp khác thì CQQL nên công nhận hiệu trưởng mới sau khi đã thực hiện các thủ tục cần thiết (theo quy định).
-Theo GS, Nghị định 99 cần phải sửa thêm những điểm gì để phù hợp với thực tiễn để các trường đại học ổn định phát triển?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Nguyện vọng thì nhiều nhưng theo tôi để gỡ rối cho công tác quản trị nhà trường đại học hiện nay dựa trên nền tảng của HĐT thì
Nghị định rất nên làm rõ, hướng dẫn các trường thực thi các quy định trong Luật về mối quan hệ giữa HĐT và HT về quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong việc ra quyết định chính sách, giám sát, đánh giá và cải tiến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của nhà trường; huy động các nguồn lực, phòng ngừa và xử trí các rủi ro trong quá trình đổi mới
Xin trân trọng cảm ơn GS!