Xin cấp “sổ đỏ” vì danh dự gia đình
Liên quan đến vụ việc gia đình bà Nguyễn Thị Hương (SN 1952, trú tại ngụ ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) nhiều năm xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho khu đất có nguồn gốc hơn 100 năm. Có nhiều tài liệu thể hiện về nguồn gốc đất và quá trình kê khai sử dụng đất của gia đình bà.
Cụ thể, căn cứ trích sao Sổ Địa bộ số 948/TS-TTLT ngày 12.7.1999 của Trung tâm Thông tin lưu trữ tài liệu địa chính nhà đất (thuộc Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) và sổ lưu trữ tại UBND xã Bà Điểm, đến ngày 30.4.1975, ông Nguyễn Văn Út (ông nội bà Hương) đứng bộ tại thửa đất 84, diện tích 2080m2, tờ bản đồ số 5, xã Đông Hưng Tân (nay là xã Bà Điểm), huyện Hóc Môn, do ông Nguyên Văn Cương (bố ông Út) chuyển cho theo chứng thư thuận phân chia trước bạ số 16, ngày 19.7.1922.
Ngoài ra, ông Út còn đứng bộ tại thửa 85 diện tích 1.440m2. Ông Nguyễn Văn Bùng (bố bà Hương) đứng bộ thửa 83, diện tích 1.000m2; bà Nguyễn Thị Sao (bà con với bà Hương) đứng bộ thửa 82, diện tích 1.840m2 (theo trích sao Sổ Địa bộ số 946/TS-TTLT).
Quá trình kê khai, đăng ký sử dụng đất đối với khu đất bà Hương khiếu nại, cũng thể hiện, trước năm 1975 khu đất thuộc thửa 84, diện tích 2.080m2, tờ bản đồ số 5, xã Đông Hưng Tân do ông Nguyễn Văn Út đứng bộ; Trong Sổ Mục kê, khu đất thuộc một phần thửa 1513, diện tích 5.600m2, thửa 1514, diện tích 704m2, tờ bản đồ số 1, xã Tân Thới Nhất, do bà Nguyễn Thị Thảo (chị bà Hương) kê khai.
Trong Sổ Dã ngoại, khu đất thuộc thửa 247, tờ bản đồ số 5, diện tích 2.821m2, bà Nguyễn Thị Em (em bà Hương) có tên trong Sổ Dã ngoại.
Theo tài liệu 2005, khu đất thuộc một phần thửa 17, tờ bản đồ số 39, diện tích 3.187m2, bà Hương có tên trong Sổ Dã ngoại.
Từ nhiều năm trước, gia đình bà Hương đã dựng hàng rào bao quanh khu đất để trồng rau, làm bãi trông giữ xe. Hiện gia đình bà vẫn đang sử dụng một phần khu đất để kinh doanh và trồng chuối.
Trên đất hiện có công trình 2 lầu mái tôn của ngân hàng được UBND Thành phố cho thuê đất (trả tiền thuê đất hàng năm) và cấp “sổ đỏ” diện tích 514m2, ngày 28.11.2005. Sau đó, UBND huyện mới kê khai đất do Nhà nước trực tiếp quản lý theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, trong một thời gian dài gia đình bà Hương từng được xác định đã chiếm phần đất thuộc thửa 82 (tiếp giáp thửa 84) với nguồn gốc và quá trình sử dụng tương tự. Tuy nhiên, vào năm 2007, gia đình bà Hương đã được cấp “sổ đỏ” cho thửa đất này, sau nhiều năm khiếu nại.
Gia đình bà Hương là gia đình chính sách, mẹ bà Hương là Mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê Thị Lành. Gia đình có 3 liệt sĩ gồm: ông Nguyễn Văn Bao và ông Nguyễn Thanh Cần (anh ruột bà Hương, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ); Ông Nguyễn Văn Non (chú ruột của bà Hương, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Trong đó, có 2 liệt sĩ hiện vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
“Tại khu đất này, nhiều thế hệ trong gia đình chúng tôi canh tác, sinh sống. Cạnh khu đất có một nghĩa trang gia tộc với những ngôi mộ cổ. Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, gia đình phải ly tán, giấy tờ về nhà đất cũng thất lạc. Khi hoà bình lập lại, gia đình tôi trở về tiếp tục sinh sống tại mảnh đất của tổ tiên để lại thì bị nói là chiếm đất. Do đó, hàng chục năm qua tôi xin cấp “sổ đỏ” với mong muốn duy nhất là lấy lại danh dự cho gia đình. Tôi năm nay đã 71 tuổi, sức khoẻ rất yếu nên mong các cơ quan chức năng sớm xem xét giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý cho gia đình tôi”, bà Hương chia sẻ.
Cần giải quyết vụ việc có lý, có tình
Theo tài liệu, từ năm 1989, gia đình bà Hương đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin lại phần đất trên nhưng không có kết quả. Bà Hương gửi đơn khiếu nại tới UBND huyện Hóc Môn và UBND TP. Hồ Chí Minh nhưng kết quả giải quyết bà đều không đồng tình. Sau đó bà Hương gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 7.2022, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có nhiều Công văn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của bà Hương.
Ngày 30.12.2022, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 5125/UBND-ĐT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo kết quả rà soát đối với khiếu nại của bà Hương.
Sau khi nhận được báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, VPCP đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về nội dung báo cáo này.
Ngày 31.3.2023, Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 848/TTCP-C.III gửi VPCP với nội dung: "Thanh tra Chính phủ không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ việc khiếu nại của bà Hương. UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung nêu trong Văn bản số 5125/UBND-ĐT".
Theo Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở nội dung tại văn bản trên và một số tài liệu hiện có, cho thấy: Sau năm 1975, việc Nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng đối với phần đất 2.080m2 mà bà Hương khiếu nại chưa được rõ. Cụ thể là không có quyết định giao đất cho cơ quan, tổ chức; không có cơ quan tổ chức nào kê khai, đăng ký phần đất này qua các thời kỳ…, mới chỉ dừng lại ở việc nhận định được nêu trong báo cáo và quyết định giải quyết khiếu nại trước đây.
Trong khi đó, phần đất bà Hương đang khiếu nại có nguồn gốc của gia đình bà. Đến ngày 30.4.1975 vẫn là ông nội bà Hương đứng tên (thể hiện tại trích sao Sổ Địa bộ số 948/TS.TTLT). Sau năm 1975, gia đình bà Hương có đăng ký kê khai với phần đất trên (gia đình bà Hương có tên trong Sổ Dã Ngoại và Sổ Mục kê) và có sử dụng đất này (thể hiện tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 796/QĐ-UB của UBND Thành phố)
Do đó, để giải quyết vụ việc khiếu nại của bà Hương có lý, có tình, tránh khiếu nại vượt cấp, đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh làm rõ một số nội dung. Cụ thể như: Tài liệu chứng minh việc quản lý, sử dụng đất của cơ quan, tổ chức mà UBND TP. Hồ Chí Minh xác định đã quản lý, sử dụng phần đất 2.080m2 nhưng không có quyết định giao đất (Tập đoàn Rau 12,15; Xí nghiệp khai thác và chế biến lâm sản; Phòng Tài chính kế hoạch huyện Hóc Môn); các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng đất trái phép của người dân (nếu có).
Việc sử dụng phần đất 2.080m2 của gia đình bà Hương (thời điểm, thời gian sử dụng, chủ thể sử dụng,…) từ năm 1975 đến khi phát sinh khiếu nại, các biện pháp chế tài của Nhà nước đối với việc sử dụng đất của bà Hương...
Ngày 7.6.2023, VPCP tiếp tục có Công văn số 4165/VPCP-V.I truyền đạt ý kiển chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao UBND TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát việc khiếu nại của bà Hương liên quan đến diện tích đất trên. Trong đó làm rõ việc kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất và đứng tên trong Sổ Dã ngoại, Sổ Mục kê của gia đình bà Hương; Việc quản lý, sử dụng diện tích đất trên theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Tổ chức đối thoại với gia đình bà Hương, giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả gải quyết trước ngày 1.9.2023.
Ngày 3.11.2023, UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa tổ chức đối thoại với gia đình bà Hương và cũng chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo. Do đó, VPCP tiếp tục có Công văn số 8652/VPCP-V.I gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết khiếu nại của bà Hương.
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, một nguyên lãnh đạo huyện Hóc Môn cho biết: “Theo Điều 3 Nghị định 60/CP ngày 5.7.1994 của Thủ tướng Chính phủ: “Tất cả nhà ở và đất ở đều phải được đăng ký. Chủ sở hữu hợp pháp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Việc xác định đất do Nhà nước quản lý cũng phải thực hiện theo Nghị định này. Nếu không có hồ sơ thể hiện việc xác lập quyền sử dụng đất thuộc quản lý Nhà nước mà đã kê khai đất do Nhà nước quản lý, cho thuê đất là chưa đúng quy định pháp luật.
Gia đình bà Hương là gia đình chính sách, có hồ sơ về nguồn gốc đất và đã sử dụng hơn 100 năm…, vì vậy cần phải xem xét lại việc khiếu nại của gia đình bà Hương theo đúng các quy định của pháp luật và Nghị định số 01/1975/NĐ-CP ngày 5.3.1975 của Chính phủ”.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin việc thự thi pháp luật và quá trình giải quyết vụ việc tới Đại biểu Quốc hội, cử tri và bạn đọc cả nước.