Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt
Hiện Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng được được 85 - 90% nhu cầu linh kiện cho sản xuất xe máy, 15 - 40% cho sản xuất ô tô, 40 - 60% cho máy động lực và máy nông nghiệp. Đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu cung cấp 65% nhu cầu sản xuất nội địa.
Thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam chưa có chính sách phát triển công nghiệp toàn diện, trong khi các nước khác đã “phát triển rất xa”. ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng, qua nhiều năm triển khai, chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế; để xảy ra hạn chế này là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp, ông Quân đặt vấn đề.
Sự lo ngại về “sức khỏe” của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước không phải là vấn đề mới, nhưng đến nay dường như chưa có nhiều cải thiện; ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, tăng trưởng xanh, thu hút FDI… được đánh giá là tiềm năng, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam, nhưng cá nhân ông nhìn nhận đây sẽ là thách thức. Nguyên nhân là bởi làn sóng đầu tư của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Họ đầu tư với quy mô lớn và làm rất nhanh.
Ông Phan Đăng Tuất chia sẻ trong một lần gặp gỡ chuyên gia người Nhật chuyên về làm khuôn mẫu để phục vụ sản xuất công nghiệp. Vị chuyên gia này cho biết, nếu như ở thời điểm năm 2000, Trung Quốc chưa làm nổi khuôn mẫu, thì đến nay nay họ đã làm được hầu hết linh kiện phụ tùng cho một chiếc xe ô tô.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất đã nhiều lần chỉ ra làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan. Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ.
Tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất kiến nghị, cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, là hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước, để từ đó có tầm chiến lược toàn diện về phát triển. Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.
Hiến cách giúp Việt Nam tận dụng thời cơ từ sóng FDI công nghệ cao đối với công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết, doanh nghiệp FDI họ không nhất thiết phải làm việc với doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đa phần các tập đoàn lớn của Mỹ cũng bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nắm bắt cơ hội, trở thành đối tác với các tập đoàn đa quốc gia.
Chúng tôi mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam và không quan trọng đối tác là FDI hay doanh nghiệp nội địa, quan trọng là làm sao đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam mạnh hơn. Hiện nay hàng không dân dụng Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, vì vậy cần nắm bắt cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng. Boeing đang hỗ trợ Việt Nam cơ hội cạnh tranh hơn trong chuỗi cung ứng thông qua nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề nhân lực.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng cần phải xác định không chỉ ở thị trường trong nước mà cần vươn tới thị trường nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ muốn vươn ra biển lớn phải có liên kết, nếu không thì khó chiến thắng. Các doanh nghiệp phải bắt tay với nhau và có sự hỗ trợ chính sách, đồng hành của doanh nghiệp lớn để biến lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài thành cơ hội của doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa hợp tác, cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI với giá rẻ hơn. Như vậy, sẽ đạt mục tiêu giữ chân ông lớn FDI, phát triển doanh nghiệp nội địa. Vậy cần hỗ trợ gì để các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác với doanh nghiệp FDI? Tôi cho rằng cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, phát triển được các tập đoàn lớn trong nước đủ sức dẫn dắt. Do đó, muốn phát triển cần sớm ban hành thêm chính sách hỗ trợ.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; tăng cường phân bổ nguồn lực từ trung ương và địa phương; bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; đào tạo nhân lực chất lượng cao…