Xây dựng một nông thôn mới xã hội chủ nghĩa
Tháng 3.2006, Trung ương Đảng cộng sản và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc công bố Bản “tài liệu số 1” với nội dung quyết tâm giải quyết vấn đề nông thôn và chủ trương xây dựng Nông thôn mới xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ chính của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006 – 2010).
Chính sách “tam nông” giải quyết tốt các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được xếp loại ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng một xã hội khá giả toàn diện. 5 mục tiêu đã được đề ra bao gồm Nâng cao năng suất lao động khu vực nông thôn, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển xã hội, nâng cao dân chủ và mức sống của nông dân.
Để làm được điều này, nhà nước Trung Quốc đã tập trung vào những nội dung và bước đi phù hợp như:
Nâng cao vị thế nông nghiệp bằng cách công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp theo bản sắc Trung Quốc, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, kiện toàn hệ thống thị trường nông thôn và dịch vụ nông nghiệp. Tăng cường chính sách ủng hộ và ưu đãi nông nghiệp, xóa bỏ thuế nông nghiệp trong phạm vi cả nước, tăng tỷ lệ chi tài chính của Trung ương và quỹ xây dựng công trái cho vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân. Thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp. Nâng cao mức độ an toàn chất lượng nông sản. Tăng thu nhập cho nông dân và chuyển dịch việc làm của nông dân theo nhiều kênh. Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của dân nông thôn Trung Quốc là 4.140 nhân dân tệ, tương đương với 606 USD vào năm 2007, chưa đầy 1/3 thu nhập của dân thành thị. Đẩy mạnh cải cách thể chế tài chính tiền tệ nông thôn. Ổn định và hoàn thiện thị trường chuyển dịch quyền kinh doanh đất khoán. Nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân…
Với Trung Quốc, việc sốc lại vấn đề tam nông không chỉ nhằm cải thiện kinh tế, để nông dân được hưởng sự công bằng hơn so với thành thị mà nó còn là vấn đề ổn định chính trị, xã hội.
Cải cách ruộng đất: điểm then chốt của một nông thôn mới
Kế hoạch cải cách ruộng đất mới đây chính là một trong những nỗ lực nhằm đưa kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của TQ thành hiện thực và được đánh giá là một trong những động thái đáng chú ý trong vòng mấy thập kỷ qua. Theo chiến lược phát triển nông thôn, Trung Quốc sẽ thực thi chế độ bảo hộ ruộng đất, bảo hộ quyền tự chủ kinh doanh của nông dân, bồi thường thích đáng cho các trường hợp người dân bị chiếm dụng ruộng đất. Tiền chuyển nhượng ruộng đất phải thuộc về nông dân. Ruộng đất là sở hữu tập thể, nhưng quyền sản xuất kinh doanh nằm trong tay nông dân và quyền của họ được bảo đảm, không thay đổi. Yêu cầu này xuất phát từ một thực tế: người nông dân Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được đất đai của mình. Hiện tại, họ chỉ được thuê đất trong 25-30 năm và không thể sử dụng đất làm phương tiện thế chấp để vay vốn ngân hàng và đầu tư tăng gia sản xuất. Nông dân cũng không được phép khai thác đất đai để sử dụng cho các hoạt động phi nông nghiệp. Có lẽ chính vì thế mà một khi nhà nước cần lấy đất để triển khai các khu công nghiệp hay các công trình công cộng…, giá đền bù thường rất rẻ và không thỏa đáng đối với người dân. Và mâu thuẫn xung quanh quyền sở hữu ruộng đất là nguyên nhân của nhiều vụ biểu tình ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trên tinh thần đó, Trung Quốc đã quyết định đưa ra một thay đổi cơ bản. Trước hết là nâng thời hạn quyền sử dụng đất lên 70 năm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân đây đủ hơn. Bên cạnh đó, họ sẽ được phép chuyển nhượng, cho thuê và cầm cố quyền sử dụng mảnh đất của mình để thu lợi nhuận trên thị trường giao dịch ruộng đất. Đối tượng được chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng ruộng đất có thể là cá nhân hoặc công ty. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển một nông thôn hiện đại, xây dựng những nông trại công nghiệp quy mô lớn nhằm nâng cao năng suất và sản lượng nông nghiệp cho đất nước đông dân nhất thế giới. Bởi hiện nay, do dân số không ngừng tăng trong khi quỹ đất có hạn nên mỗi một thửa đất của nông dân Trung Quốc chỉ vào khoảng 0,67ha, bằng 1/4 bình quân thế giới. Chính vì quá nhỏ và manh mún như vậy nên việc sản xuất thực sự không hiệu quả, gây mất an toàn cho an ninh lương thực, khiến cán cân thu nhập lệch hẳn về các đô thị. Nhiều người dân đã từ bỏ ruộng đất của mình để lên thành phố tìm kiếm các cơ hội nâng cao cuộc sống. Hiện Trung Quốc đang trở thành quốc gia có khoảng cách thu nhập lớn nhất thế giới. Số liệu năm 2007 của LHQ, cho thấy hệ số Gini phản ánh sự bất bình đẳng phân phối thu nhập của Trung Quốc đã vượt ngưỡng báo động 0,4. 20% dân số nghèo nhất nước chỉ nắm giữ 4,7% tài sản quốc gia, trong khi đó 20% dân số giàu nhất nước nắm giữ 50% tài sản quốc gia.
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách ruộng đất được Ủy ban Trung ương Đảng đưa ra sẽ còn phải qua xem xét tại Quốc hội vào năm sau trước khi trở thành hiện thực.
Trung Quốc đặt ra một số việc phải làm đến 2020 - Củng cố vị trí của nông nghiệp như là nền tảng của kinh tế quốc gia, đặt vấn đề an ninh lương thực cho 1,3 tỷ dân là ưu tiên hàng đầu. - Bảo vệ quyền của nông dân, Đảng và Nhà nước đảm bảo mục tiêu cải thiện và mở rộng lợi ích cơ bản cho đại đa số nông dân. Tăng thu nhập cho nông dân gấp đôi mức 2007. - Không ngừng tự do hóa và phát triển lực lượng sản suất ở khu vực nông thôn; biến cải cách và đổi mới làm động lực cơ bản cho phát triển khu vực nông thôn. - Nghiên cứu tổng thể sự phát triển của cả khu vực thành thị và nông thôn - Duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc phát triển khu vực nông thôn - Cải thiện hơn nữa dịch vụ công và bảo vệ môi trường sinh thái |