Đề xuất tăng lương cơ sở là hợp lý
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ Ngân sách Trung ương 2020, Chính phủ đã đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng. Đánh giá về đề xuất này, một số đại biểu cho rằng, khi lương cơ sở tăng, mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng. Theo lộ trình cải cách tiền lương được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 27 là từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.
![]() ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) |
ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đánh giá: việc Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá tác động trên thực tiễn hiện nay như mức tiêu dùng thực tế. Bởi mỗi năm trượt giá khoảng 4% thì mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng chỉ bù được một chút của lạm phát. Bởi, thực sự cải thiện cuộc sống của người "làm công ăn lương" không được bao nhiêu. Nhưng nếu chúng ta không tăng nghĩa là đồng tiền thực tiễn của người lao động có thể sẽ mất đi, do lạm phát. Bên cạnh đó, năm 2020 là bước đệm chuyển của Nghị quyết 27 là cải cách tiền lương có hiệu lực từ 2021. Nếu chúng ta không bắt đầu có cách để cân đối nguồn vốn thì rõ ràng chúng ta sẽ bị hẫng hụt trong tương lai, đại biểu Đỗ Văn Sinh lưu ý.
Tiền lương chi trả theo giá trị sức lao động
Để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, việc tăng lương là điều cần thiết. Bởi theo như ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), việc đầu tư cho người lao động thông qua cải cách chính sách tiền lương là đầu tư cho phát triển. Cũng theo đại biểu, nếu nâng mức lương cơ sở cho khối hành chính sự nghiệp vào năm 2020 thì sẽ có cơ hội cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Tuy nhiên, vấn đề nguồn để chi trả cho việc tăng lương cơ sở là một bài toán không hề đơn giản. Về vấn đề này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi gợi mở, để có nguồn tiền thực hiện cải cách tiền lương, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính sự nghiệp. Cùng với đó, điều hành chính sách kinh tế để không tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI.
![]() ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích: theo báo cáo của Chính phủ, tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính sự nghiệp rất chậm, điều này sẽ tác động lớn đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương năm 2021 nếu chúng ta thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 mà bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách sẽ không chịu nổi, dẫn đến lạm phát về tiền lương. Bởi vì tiền lương là chi trả theo giá trị sức lao động và phải cân đối với cung cầu hàng hóa trên thị trường.
Nhấn mạnh, nếu tăng lương mà để giá tăng lên thì tăng lương không có ý nghĩa gì, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn cải cách chính sách tiền lương tốt, Chính phủ phải tích cực giảm biên chế, cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp đơn vị công lập, nhanh chóng chuyển sang tự chủ tự chịu trách nhiệm.
Rõ ràng, trong tình hình thực tiễn hiện nay, việc tăng lương cơ sở là rất phù hợp, góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động, đó cũng là cách đầu tư lâu dài và hiệu quả cho phát triển.