Thế nào là “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”?
Vấn đề đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản hiện được đề cập trong nhiều văn bản, dự thảo văn bản pháp luật.
Trước hết, Điều 152, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản”.
Đến nay, Điều 152 nói trên được thay thế bằng Điều 205 trong Luật Đất đai năm 2024, theo đó quy định: “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản”. Như vậy, có thể thấy, cụm từ “chế biến khoáng sản” đã được lược bỏ.
Căn cứ vào Điều 152 này, gần đây, tại Công văn số 3541/BCT-CN ngày 27.5.2024 trả lời UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ Công Thương cho rằng: “đất dành cho hoạt động khoáng sản không bao gồm đất sử dụng cho hoạt động chế biến khoáng sản”. Từ cách hiểu này, Bộ Công Thương hướng dẫn UBND tỉnh Đắk Nông không đặt nhà máy tuyển quặng, nhà máy chế biến alumin, nhà máy sản xuất nhôm (tổ hợp nhà máy) trong phạm vi quy hoạch quặng bauxite đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 866/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, khi cụ thể hóa nội dung “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”, khoản 6, Điều 5 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 (bản công bố lấy ý kiến góp ý) quy định: “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản là đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gắn liền với khu vực khai thác khoáng sản, đất xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động khoáng sản, kể cả trụ sở, nhà nghỉ giữa ca và các công trình khác phục vụ cho người lao động gắn liền với khu vực khai thác khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản…”.
Liên quan đến thuật ngữ “hoạt động khoáng sản”, Luật Khoáng sản năm 2010 giải thích: hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; trong đó, khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan..
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản để thay thế cho Luật Khoáng sản năm 2010, khái niệm “hoạt động khoáng sản” đã được sửa đổi theo hướng mở rộng và bao trùm hơn; trong đó có bao gồm chế biến khoáng sản.
Cụ thể, Điều 3, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra, quy định: hoạt động khoáng sản gồm thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ. Trong đó, khai thác khoáng sản đã bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, chế biến và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Doanh nghiệp nhiều băn khoăn
Việc các văn bản quy định thiếu thống nhất về “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản” như vậy dẫn đến những cách hiểu khác nhau và có thể khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình xin cấp phép, gây ách tắc hoạt động đầu tư.
Bởi lẽ câu hỏi: “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản có bao gồm đất sử dụng cho hoạt động chế biến, xây dựng nhà máy tuyển quặng, nhà máy chế biến khoáng sản hay không?” hiện chưa có câu trả lời sáng rõ.
Theo dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, dường như, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản có bao gồm khâu chế biến; theo đó, đất để đặt nhà máy chế biến được phép đặt trong khu vực mỏ.
Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2024 và Luật Khoáng sản năm 2010 thì đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản chỉ gồm khâu thăm dò và khai thác. Như vậy, đất để đặt nhà máy chế biến có thể không được phép đặt trong khu vực mỏ. Trường hợp này, với các khoáng sản có diện tích mỏ rộng như titan, bauxite, việc đặt nhà máy chế biến ở xa mỏ sẽ làm cho hiệu quả kinh tế thấp, không khả thi. Ngoài ra, việc vận chuyển xa có thể gây thêm ô nhiễm môi trường.
Doanh nghiệp cũng băn khoăn rằng, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia đã thể hiện quy hoạch mỏ, quy hoạch nhà máy chế biến khoáng sản. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng Quy hoạch sử dụng đất, trong đó có đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.
Nếu nhà máy tuyển quặng, nhà máy chế biến không được đặt trong phạm vi quy hoạch mỏ thì phải chăng sẽ cần chỉnh sửa Quy hoạch ngành quốc gia về khoáng sản, Quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh có khoáng sản làm cơ sở cấp chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng, nhà máy chế biến?
Luật Đất đai có hiệu lực từ 1.8.2024, trong khi dự thảo Luật Địa chất Khoáng sản dự kiến được thông qua vào Kỳ họp tháng 10.2024 và có hiệu lực từ 1.7.2025.
Trong 11 tháng lệch nhau về hiệu lực thi hành giữa hai luật này, cần có cách hiểu thống nhất về nội hàm “hoạt động khoáng sản”, “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản” để không gây ách tắc cho địa phương và doanh nghiệp.