Là văn kiện cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế, Di chúc như là sự tổng kết những quan điểm tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ trăn trở, suy tư và những điều Người mong mỏi, hy vọng. Ở bài viết này, xin tìm hiểu về bối cảnh lịch sử của những suy tư, trăn trở ấy.
Quyết chiến và quyết thắng giặc Mỹ
Thế giới thập kỷ 1950 - 1960 ở giai đoạn cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh do 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô đứng đầu. Chủ nghĩa đế quốc do Mỹ lãnh đạo cùng với việc xây dựng khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu để kiềm chế, bao vây Liên Xô, quyết xây một con đê để ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á. Với tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, người Mỹ đã thực hiện thành công việc hất cẳng và thay thế người Pháp xé bỏ Hiệp định Genève, độc chiếm, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới.
Không cam chịu trở thành thuộc địa Mỹ, nhân dân miền Nam, với sự chi viện của đồng bào miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên cường đứng dậy tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng.
Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, ở miền Nam, từ 5.8.1964, đã dùng không quân và hải quân từng bước leo thang đánh phá miền Bắc. Năm 1965, đế quốc Mỹ đã ào ạt đưa quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của quân giải phóng miền Nam, đồng thời mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá hủy diệt miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta không bất ngờ trước việc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Ngay tháng 3.1964, căn cứ Điều 67 của Hiến pháp, trước âm mưu của đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt tại Hà Nội. Người khẳng định: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ bị thất bại thảm hại.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa III tháng 3.1965 đã hạ quyết tâm quyết chiến và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau khi đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của quân đội Mỹ và quân ngụy Sài Gòn, quân Giải phóng miền Nam đã mở cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đánh thẳng vào trung tâm đầu não chỉ huy của quân đội và chính quyền tay sai Mỹ ở khắp miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.
Thế giới có nhiều biến đổi quan trọng
Chỉ ba năm sau Hội nghị Moscow năm 1957, đã có nhiều biến đổi quan trọng diễn ra trên thế giới và trong phong trào Cộng sản quốc tế. Cách mạng Cuba thắng lợi (1959) đưa Cuba gia nhập phe XHCN, làm cho hệ thống XHCN mở rộng sang cả Tây bán cầu. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nhiều quốc gia non trẻ giành được độc lập dân tộc ở những mức độ khác nhau, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tan rã từng mảng lớn. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân sau một số năm tạm lắng nay lại bùng nên mạnh mẽ.
Các lực lượng đế quốc tăng cường tấn công vào cách mạng. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, họ thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình; còn đối với Cuba và Việt Nam thì bao vây, khiêu khích hoặc xâm lược và thực hiện chủ nghĩa thực dân trá hình ở khu vực Á - Phi - Mỹ Latin.
Các lực lượng phản động ở nhiều nước đã mở cuộc tiến công vào các Đảng Cộng sản. Năm 1959, Đảng Cộng sản Argentina bị cấm hoạt động. Năm 1960, Đảng Cộng sản Marốc cũng bị cấm. Những người Cộng sản bị đàn áp khốc liệt ở Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Liên bang Đức, Italy, Hy Lạp, Iran, Jordan, Irắc, Paraguay, Argentina, Sudan… Trong tình hình như thế, những thế lực cơ hội, xét lại đang nắm quyền ở một số Đảng Cộng sản lại đưa ra đường lối “chung sống hòa bình’’, thỏa hiệp giai cấp vô nguyên tắc và trong phong trào cộng sản quốc tế lại xuất hiện một trào lưu mới hết sức nguy hại - chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa biệt phái.
Trong bối cảnh lịch sử này, Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân họp ở Moscow vào tháng 11.1960. Đây là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay của phong trào cộng sản quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tham dự Hội nghị. Hội nghị Moscow năm 1960 đã khẳng định và kế thừa những nội dung cơ bản của bản Tuyên bố năm 1957, phát triển và bổ sung một số luận điểm quan trọng. Hội nghị đã phân tích tình hình quốc tế và những vấn đề cơ bản của thế giới, đưa ra khái niệm về “thời đại hiện nay”, xác định nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản và công nhân là bảo vệ và củng cố hòa bình, ngăn chặn bọn đế quốc hiếu chiến phát động chiến tranh thế giới mới, tăng cường đoàn kết phong trào cộng sản đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trong bản Tuyên bố Moscow năm 1960, Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế tuy gạt bỏ những quan điểm “tả khuynh cực đoan” của Mao Trạch Đông về “chủ nghĩa đế quốc là con hổ giấy’’, về khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh thế giới mới để lật đổ hoàn toàn chủ nghĩa đế quốc, về mâu thuẫn chủ yếu của thế giới là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc… nhưng nhìn chung vẫn chưa có những đánh giá khoa học và khách quan về thời đại và thế giới.
Trong văn kiện này có nhiều luận điểm mâu thuẫn nhau, thể hiện sự chắp vá, nhân nhượng về quan điểm giữa các đảng tham dự hội nghị. Đối với một số người, trong văn kiện này có nhiều luận điểm của chủ nghĩa xét lại, và một số người khác lại cho rằng có nhiều luận điểm giáo điều, tả khuynh.
Chính vì vậy, Hội nghị Moscow năm 1960 thực tế không thống nhất được về tư tưởng, lý luận và chiến lược hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế. Từ năm 1960 - 1969 là thời kỳ đầy phức tạp của phong trào công nhân. Những bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ phong trào công nhân quốc tế, đặc biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc (sau hai Hội nghị năm 1957 và 1960), không dịu đi mà ngày càng trầm trọng, công khai. Những cuộc tranh luận gay gắt và bất đồng giữa hai đảng này xoay quanh các vấn đề lý luận, đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế đã dẫn đến sự phân liệt thực sự của phong trào cộng sản thành hai phái. Hai đảng lớn, hai nước lớn tranh nhau vị trí trung tâm cách mạng, công kích lẫn nhau: Đảng nào cũng muốn nắm độc quyền chân lý và tranh nhau vai trò lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế. Sự phân liệt và tập hợp lực lượng của hai đảng lớn này ngày càng trở nên ráo riết, công khai. Đảng Cộng sản ở một số nước cũng bị chia rẽ về tổ chức thành hai đảng theo hai khuynh hướng nói trên.
Mâu thuẫn giữa hai Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đã nảy nở từ 1945, dịu bớt vào những năm 1950, nhưng từ sau Hội nghị Moscow (1957), mối quan hệ giữa hai đảng lại trở nên xấu đi. Mâu thuẫn Xô - Trung ngày càng căng thẳng, đã dẫn tới xung đột biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc vào tháng 4 - 5.1962. Cuối tháng 2, đầu tháng 3.1963, “Nhân dân nhật báo” Bắc Kinh công bố 4 bài báo chỉ trích Khơrutxốp. Ngày 15.6.1963, Đại sứ Trung Quốc ở Moscow trao cho cho lãnh đạo Liên Xô bức thư 25 điểm, nêu tất cả những vấn đề Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối không nhân nhượng đối với Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong thư có đoạn: “Không có đảng cấp trên, không có quốc gia cấp trên trong phe xã hội chủ nghĩa”. Từ mâu thuẫn giữa hai đảng đã chuyển sang mâu thuẫn giữa hai nhà nước. Từ những bài báo luận chiến đã chuyển sang xung đột bằng vũ lực. Đỉnh điểm bất hòa giữa hai đảng là cuộc xung đột đổ máu giữa hai nước Xô - Trung mùa xuân 1969 và từ đó hai bên đã coi nhau như thù địch. (1)
Trăn trở xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh
Về phía nội bộ Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ này), hạt nhân lãnh đạo dân tộc, ở tuổi 40 cũng bộc lộ một số vấn đề cần lưu ý. Đó là bên cạnh việc không ngừng củng cố và giữ vững vai trò tiên phong gương mẫu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no... (2), thì sau 20 năm cầm quyền, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng đã xuất hiện những thói hư, tật xấu mà các chính quyền thường mắc. Đó là tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng, vun vén cá nhân, ngại hy sinh, gian khổ... nói tóm lại là sa vào chủ nghĩa cá nhân. Ngay từ Sửa đối lối làm việc xuất bản năm 1947 đến một trong những bài báo cuối cùng: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực một điều trăn trở là làm sao xây dựng được một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo dân tộc đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, nhưng tình hình quốc tế đã và đang nảy sinh những vấn đề phức tạp, bản thân đảng cầm quyền có những vấn đề cần được chỉnh đốn... Bối cảnh đó, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ, chủ động linh hoạt, quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.
_________
1. Theo “Lịch sử thế giới hiện đại”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 12, H, 2011, tr. 403