Trên thực tế, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Chính phủ và Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ này.
Mặc dù vậy, kể cả khi ở trong những điều kiện thuận lợi hơn - dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân đã trở lại bình thường - kết quả giải ngân vẫn chưa như mong đợi! Ước giải ngân đến 30.9.2022 là hơn 253.000 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (47,38%). Hơn một nửa số bộ và cơ quan trung ương (39/51 đơn vị) và gần 1/3 số địa phương (22/63) địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%). Đáng chú ý, có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 ban hành ngày 15.9, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng giao; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Đối chiếu mục tiêu này với thực tế hiện nay, có thể thấy áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn. Dù giải ngân đầu tư công thường tăng tốc về cuối năm nhưng việc phải “tiêu” hết hơn 50% kế hoạch vốn của năm trong 3 tháng tới thực sự có phần bất khả thi!
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công không như mong đợi có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế năm nay. Nhưng đi cùng với nỗ lực tăng tốc giải ngân, các địa phương và các bộ ngành phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng giải ngân. Chúng ta chọn tăng chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch nhưng điều đó không có nghĩa là ném tiền qua cửa sổ. Thành tích được ghi nhận không chỉ là giải ngân được bao nhiêu phần trăm mà điều quan trọng hơn là tính hiệu quả, chất lượng của dự án.
Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm. Cùng với đó, Chính phủ và các địa phương cũng nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá; bởi điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.
Tương tự, với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, do yêu cầu về giải ngân đầu tư công sẽ đòi hỏi thời gian nên cũng không thể kỳ vọng tỷ lệ giải ngân cao cho năm 2022. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho việc lập kế hoạch và giải ngân cho năm 2023. Cùng với đó, vai trò theo dõi và giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với việc giải ngân gói hỗ trợ này là rất cần thiết.