Tin tưởng rằng, những định hướng và mục tiêu giải pháp về các vấn đề chiến lược Hội nghị đề ra sẽ là kim chỉ nam cho hành động, tạo chuyển biến đồng bộ, hiệu quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
Chính sách xã hội - nhân tố bảo đảm đại đoàn kết dân tộc
Hơn 10 năm trước, Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 10.6.2012 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 xác định mục tiêu tổng quát “cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, bình đẳng”. Từ thực tiễn và kinh nghiệm thực hiện chính sách xã hội theo Nghị quyết 15, khẳng định Chính sách xã hội ở nước ta đã có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, toàn diện, hiệu quả và cần thiết phải định hướng chính sách này ổn định và phát triển đồng bộ, tập trung vào đối tượng mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm ổn định xã hội, làm cơ sở vững chắc cho phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới. Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính sách xã hội là vì dân, đại đoàn kết dân tộc là do dân, là động lực phát triển đất nước.
Bước đột phát trong xây dựng, đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức
Đội ngũ trí thức Việt Nam được Đảng và Bác Hồ quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhưng trong điều kiện hội nhập sâu rộng và cạnh tranh quyết liệt của thời đại số, kinh tế xã hội số, đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học. Đẩy mạnh việc huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; đề cao trách nhiệm, tăng cường tính chủ động, tích cực của bản thân đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội nghề nghiệp trong đội ngũ trí thức... đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới. Chắc chắn kết luận hội nghị Trung ương lần này về trí thức sẽ tạo bước đột phát trong xây dựng, đào tạo đãi ngộ sử dụng đội ngũ trí thức nước nhà, hướng tới những thành tựu mới, giá trị cao mà đội ngũ trí thức tạo ra, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Giữ vững, phát huy chiến lược quốc phòng, an ninh
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết hội nghị Trung ương, luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dựa vào dân, "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân, lực lượng vũ trang Nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Với truyền thống chống giặc ngoại xâm và hóa giải các thủ đoạn tinh vi xảo quyệt của các thế lực thù địch, có thể khẳng định Chiến lược bảo vệ tổ quốc, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân trong tình hình mới là chuẩn mực, khoa học, sáng tạo phù hợp với điều kiện, tiềm lực, sức mạnh và tương quan lực lượng trong quan hệ quốc tế của nước ta. Là niềm tin vững chắc để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo đảm nền quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân vững mạnh.
Tổ chức và con người quyết định vận mệnh quốc gia
Lênin từng nói: hãy cho tôi một tổ chức, tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga. Bác Hồ khẳng định: cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Việc thực hiện đường lối của Đảng trước hết là trách nhiệm của hệ thống chính trị, từ đường lối của Đảng, chuyển hóa thành pháp luật, các quy định và đi vào đời sống. Do vậy, trước hết đòi hỏi tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đại diện Nhân dân phải vững mạnh, thống nhất, đồng bộ, thông suốt; đồng thời, phải xây dựng đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở tận tụy, gương mẫu, có đạo đức thân dân, không tham sân si. Từ đó, tổ chức lãnh đạo, lan tỏa thành nhiệm vụ, phong trào của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, công tác cán bộ là then chốt.
Trên cơ sở đánh giá công tác cán bộ nửa nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII xem xét dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIV với sự kế thừa, bổ sung, phát triển theo yêu cầu của tình hình mới, làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ Khóa XIV với tinh thần phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.