Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 8.2.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.
Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân…
Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Cụ thể, Chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.
Nghị quyết của Chính phủ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
“Tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để vùng đồng bằng Hồng thực sự phát triển đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, như: cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng; sớm hoàn quy hoạch tỉnh bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; khai thác tiềm năng lợi thế về biển để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Vùng đồng bằng sông Hồng có cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh, thu ngân sách tăng nhanh (8/11 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách và có điều chuyển về Trung ương), thu hút FDI khá nhanh và ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm… Tuy vậy, vùng vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển.
Để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (hiện mới chỉ có Quảng Ninh được phê duyệt quy hoạch tỉnh). Công tác lập quy hoạch phải làm nhanh, quyết liệt, sát thực tế, khả thi và hiệu quả, tránh điều chỉnh quy hoạch. Nơi nào đẹp nhất, thuận lợi nhất phải được quy hoạch cho sản xuất kinh doanh chứ không phải quy hoạch cho bất động sản, Thủ tướng yêu cầu; đồng thời nhấn mạnh quy hoạch tốt mới có dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt, có hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng của địa phương và vùng.
Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Thể chế cần bảo đảm tính ổn định; rà soát thể chế để tạo công khai, minh bạch; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, nhất là kinh tế biển…
Đây là hội nghị cuối cùng triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "nhất hô bá ứng, tiền hộ hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chưa có chương trình hành động cần làm khẩn trương, trên tinh thần “nói đi đôi với làm”.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040; trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ một số chương trình, dự án đầu tư phát triển của vùng.