Đổi mới kiên định, sáng tạo nhằm giải phóng, tự giải phóng các năng lực và nguồn lực phát triển
Sự phát triển xưa nay cho thấy, không chỉ là con đường thẳng tắp mà còn bao hàm cả những đường gấp khúc, không chỉ là bước tiến lên tuần tự mà còn bao hàm cả những bước đứt đoạn, không chỉ có nhảy vọt mà còn cần cả những thời khắc ngưng đọng sách lược… Đó là nghệ thuật phát triển rút ngắn mà hiện thời cần lựa chọn một cách quyền biến, thông qua hệ thể chế tương dung. Do đó, việc đổi mới và kiến tạo thể chế, hơn hết bao giờ, rất cần và đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, tính khoa học và sự phù hợp.
Cần thiết phải khẳng định rằng, phương châm hành động trong việc đột phá kiến tạo và đổi mới thể chế là chuyển mạnh việc lãnh đạo, quản trị và phát triển kinh tế - xã hội từ bằng hệ quy định, hệ thống pháp luật sang của quy định và của pháp luật một cách công khai, minh bạch, liên thông, nghiêm minh, thống nhất (từ trong Đảng tới Nhà nước và toàn xã hội) mang tính pháp lý tối thượng, bảo đảm tương dung với đạo lý dân tộc và phù hợp với pháp lý quốc tế. Nghĩa là phải chuyển từ pháp trị và đức trịsang pháp quyền và dân chủ.
Xét tổng thể, thế và lực mới của đất nước một phần quyết định sẽ được giải phóng và phát huy bằng và thông qua hệ thể chế hợp thành cơ chế tổng thể vận hành nền chính trị, kinh tế, xã hội… toàn diện và thống nhất. Do đó, hạt nhân trung tâm của sự đột phá cải cách thể chế phải nhằm kiểm soát quyền lực tổng thể và thống nhất từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, xã hội… một cách dân chủ và kỷ cương. Mặt khác, đồng thời bảo đảm đổi mới kiên định, sáng tạo nhằm giải phóng, tự giải phóng các năng lực và nguồn lực phát triển một cách độc lập, phù hợp, thông qua hệ thống quy định, chính sách, pháp luật thống nhất và đồng bộ. Đó chính là tầm nhìn của sự đột phá của đột phá kiến tạo thể chế hiện nay và tương lai. Vì vậy, mục đích của đột phá cải cách thể chế phải bảo vệ vô điều kiện và phát triển cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, trực tiếp là lợi ích tối cao của Nhân dân, trong công cuộc hội nhập toàn cầu.
Nói đến thể chế, trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với sự phát triển của đất nước hiện nay, thông qua việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô, đòn bẩy và hệ thống pháp luật đối với quản trị quốc gia, theo chủ kiến của Nhà nước, trước hết và trực tiếp là kiến tạo hệ thống pháp luật và công cụ quản lý nhà nước. Nói xác đáng, đó chính là giải quyết trực tiếp mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, xét ở mọi chiều cạnh đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế hay với tất cả các phương diện nào khác hoạt động trên đất nước bảo đảm phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế trên tầm tổng thể, bằng bộ thể chế hợp thành cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ tương hợp với sự tập trung cao độ, phù hợp trên cả ba phương diện pháp luật, đạo đức và tâm lý. Đó chính là tầm nhìn, phương châm hành động của sự đột phá kiến tạo, phát triển thể chế hiện nay và hoàn thiện cơ chế vận hành kinh tế - xã hội tương lai.
Trong tầm nhìn năm 2030, kế thừa kinh nghiệm thành công và chưa thành công, phải tự tìm lối đi theo lộ trình, phù hợp với điều kiện cụ thể, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể hiện thực, nhằm đẩy nhanh phương thức phát triển rút ngắn bằng và bởi thể chế phù hợp, hiệu quả.
Qua thực tiễn, vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới thể chế là không thể nôn nóng, vội vàng, càng không thể chờ đợi, cầu toàn và càng không thể trông đợi vào sự may mắn dịch chuyển từ một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào. Có thể hình dung trên 6 phương diện thể chế chủ yếu:
Thứ nhất, phát triển thể chế đổi mới chính trị. Nếu cốt lõi của chính trị là lợi ích và quan hệ chính trị dù vi mô (cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức, đảng phái…) hay vĩ mô (giai cấp, tầng lớp với nhau; các tổ chức chính trị với nhau; quốc gia, dân tộc với nhau; quốc gia với quốc tế…) là xoay quanh vấn đề lợi ích, thì cần xác định đâu là cái bất biến, khả biến của công việc đổi mới chính trị cần làm, quyết không phải “cả gói” một cách thiển cận như không ít người lầm tưởng hay tự huyễn hoặc mình.
Đổi mới chính trị là đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn quy luật về các mối quan hệ chính trị nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam XHCN trong thế giới đương đại.
Hiện nay, có người hỏi: Vậy thì, gần 40 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam chưa hay không đổi mới chính trị? Như thế có khiếm khuyết, khập khiễng không? Và, bây giờ, liệu có chậm chạp không? Đổi mới chính trị có phải là thay đổi chế độ XHCN Việt Nam không? Câu trả lời chắc chắn là: Không!
Qua 79 năm, hiện nay và tương lai, đổi mới thể chế chính trị rõ ràng tuyệt đối không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng và Nhà nước ta… Vì, “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân”. Đây là cái bất biến cần kiên định nắm chắc, là nguyên tắc cần nắm lấy để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc và thế giới trong lộ trình đổi mới chính trị nói chung và thể chế chính trị nói riêng. Lúc này, hơn lúc nào hết, mục tiêu hành động tối cao là: Đổi mới để phát triển trong môi trường ổn định và và đến lượt nó, phát triển là thước đo của đổi mới, sáng tạo và ổn định ở tầm mức cao hơn. Phải khẳng định vấn đề cốt tử này để xua tan những ý kiến còn bối rối hay ngại ngần khi nói đến đổi mới chính trị, để tẩy trừ một cách thẳng thừng những ai đó đang cổ súy cho cái gọi là “đổi mới chính trị là thay đổi chế độ chính trị”. Đó chính là mục tiêu, thước đo hiệu quả của đổi mới chính trị.
7 vấn đề chủ yếu trong hệ động lực phát triển hệ thống chính trị đổi mới
Nhìn tổng thể, trong hệ động lực phát triển hệ thống chính trị đổi mới nổi bật mấy vấn đề chủ yếu.
Một là, bình đẳng. Trước pháp luật, mọi tổ chức dù chính trị hay xã hội và mọi cá nhân, giới tính và lứa tuổi, tôn giáo… đều bình đẳng. Đó là nguyên tắc vận hành một cách dân chủ theo luật định của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, xét về tính chỉnh thể. Đó cũng chính là tính tối thượng của pháp luật, sự dân chủ của nền pháp quyền Việt Nam.
Hai là, pháp quyền. Pháp luật phải là tối thượng với tinh thần quốc pháp bất vị thân. Không thể không xây dựng và phát triển hành lang pháp lý tổng thể và đủ mạnh để kiến tạo hệ thống chính trị đổi mới. Đó là trọng trách của pháp quyền, bảo đảm căn bản và là động lực chủ yếu để bảo đảm thành công cuộc đổi mới hệ thống chính trị.
Gần đây, ai cũng thấy, ngay trong việc làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta không thể không “lấy chữ Nhân (nhân trị) làm trọng để giải quyết tham nhũng, làm trong sạch Đảng”, nhưng càng không thể không dụng “pháp trị để thẳng tay với quốc nạn đục khoét đất nước”. Thượng tôn pháp luật với quốc pháp bất vị thân.
Ba là, dân chủ. Đó là mục tiêu, động lực kiến tạo hệ thống chính trị Việt Nam. Nói cách khác, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là con đường. Nó không hề mâu thuẫn với việc tiếp biến các thành tựu của nhân loại: pháp quyền hay kỹ trị… Cùng với pháp quyền, dân chủ là mục tiêu mà pháp quyền hướng tới; và đến lượt nó, pháp quyền là giềng mối để dân chủ đích thực được thực thi.
Người ta quên (hoặc cố tình) và chối bỏ, rằng Nhân dân Việt Nam được tổ chức thành hệ thống chính trị, khi họ thực hiện hành động chính trị để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tạo ra” các đoàn thể từ Trung ương tới địa phương. Nghĩa là, đặc trưng chính trị của Việt Nam, xét về mặt tổ chức chính trị - xã hội, rằng nhân dân không chỉ tạo ra Nhà nước mà là cả hệ thống chính trị, rằng Nhà nước chỉ là một bộ phận trong đó. Người ta lại cũng cố quên rằng, nó là một phương thức tổ chức xã hội hiện đại - xem chế độ nhà nước chỉ là một yếu tố tồn tại nhân dân, nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ là một hình thức tồn tại đặc biệt của Nhân dân. Nhà nước nhỏ và xã hội lớn.
Chúng ta thừa hiểu và không ngừng hành động, Đảng chỉ có thực hiện dân chủ thực sự cho Nhân dân, lãnh đạo xã hội để Nhân dân là chủ và làm chủ, nâng cao địa vị, quyền hành và năng lực làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Nếu bất chấp lòng dân, ý dân thì dân oán. Mà “dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đó là con đường thực thi dân chủ duy nhất đúng đắn, phù hợp với chúng ta, trong thế giới ngày nay.
Bốn là, minh bạch. Dân chủ, bản thân nó đã bao hàm minh bạch. Nhưng, không có minh bạch thì không có dân chủ hoàn bị. Có thể nói, công khai là “thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương” của nền dân chủ, của hệ thống chính trị được kiến tạo một cách khoa học nhằm thực thi dân chủ một cách hoàn bị. Vì vậy, minh bạch và công khai là hai nhân tố động lực của dân chủ để kiểm soát toàn vẹn một cách dân chủ, nhằm thực thi dân chủ một cách đúng đắn và hoàn bị, theo tinh thần pháp quyền. Nhưng, chỉ vì cái gọi là minh bạch lại đòi đẩy tới sự “bạch hóa” một cách trần trụi, vô hạn độ, vô chính trị và văn hóa, như có người kêu gào, thì chính là phản minh bạch.
Năm là, phản biện. Tranh luận một cách dân chủ, công khai, bình đẳng và có văn hóa là con đường ngắn nhất, dù gập ghềnh, khó khăn, để dẫn tới chân lý. Đó là sinh khí của nền chính trị dân chủ cho nhân dân mà chúng ta kiến tạo, bắt đầu từ mỗi thành viên của hệ thống chính trị, giữa các thành viên của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó cũng chính là một trong những con đường phát triển dân chủ. Những quyết sách chính trị đúng đắn một phần quan trọng chỉ được xây dựng theo tinh thần đó, thông qua đối thoại, tranh luận, phản biện một cách cầu thị, khoa học và đầy trách nhiệm với quốc gia. Không độc quyền chân lý, không áp đặt tư tưởng, không chụp mũ chính trị là “hàn thử biểu” của tinh thần dân chủ và pháp quyền, thấm đẫm nhân văn một cách thành tâm, trong sáng, vì sự phát triển của dân tộc.
Sáu là, trách nhiệm. Bình đẳng, dân chủ, minh bạch, phản biện… theo pháp luật tự chúng đã dẫn tới sự bảo đảm trách nhiệm và chịu trách nhiệm về pháp lý và đạo lý. Trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân và cụ thể là trước chính mình, trên nền tảng dân chủ, bảo đảm bằng pháp quyền, đó phải là bổn phận của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, dù là Đảng, Nhà nước hay bất cứ một thành viên nào khác.
Bảy là, lòng tin của Nhân dân. Lý do tồn tại trước hết và quyết định là lòng tin của Nhân dân và sự ổn định của hệ thống chính trị hiện nay đều đặt trên khả năng quản lý và lãnh đạo xã hội chứ không phải chỉ dựa vào quá khứ.
Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng chính là vốn quý nhất trong các tài sản của Đảng, trong dẫn dắt đất nước, lập nên công trạng cho dân tộc. Đảng lãnh đạo để Nhân dân là chủ quốc gia, làm chủ đất nước. Đối với Nhà nước, lòng tin của Nhân dân là quốc bảo. Nhờ nó, Nhà nước đứng vững trước những sinh tử khi mới ra đời và suốt hơn 79 năm qua. Đây là động lực căn bản vô hình nhưng hữu hình, hàm chứa sức mạnh của thể chế chính trị nước ta, nhất là hơn 38 năm đổi mới qua. Đó là thước đo và công cụ kiểm soát về sự mạnh yếu, thăng trầm, thậm chí sinh tử của thể chế chính trị XHCN Việt Nam. Phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị của pháp luật chứ không dừng ở pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật. Và, theo đó, mấu chốt quan trọng là, Nhân dân cũng như Nhà nước, tất cả đều bình đẳng và tự do trước pháp luật. Đó là hệ động lực đi tới tương lai của sự phát triển của nền chính trị Việt Nam đổi mới.