Theo đó, bắt đầu từ năm 2023, THACO sẽ tập trung các nguồn lực để nghiên cứu dự án và UBND tỉnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo thẩm quyền của tỉnh và pháp luật Việt Nam. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã giới thiệu và nhàđầu tư đã khảo sát một số địa điểm tiềm năng để xây dựng khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ và đang chờ quyết định chính thức.
Bình Dương định hướng thời gian tới sẽ thu hút đầu tư công nghệ cao và hiện nay đã tập trung nhiều giải pháp thông qua đề án thành phố thông minh, trong đó việc hình thành một khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng để giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Việc hình thành khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc dẫn đến bị động như thời gian qua.
Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác. Khu công nghiệp cơ khí còn "mở rộng cửa" cho các đối tác, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tạo sự lan tỏa, cùng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp được thành lập trong tổng số 34 khu công nghiệp theo quy hoạch. Lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.079 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ USD, đứng thứ 2 (chỉ sau TP Hồ Chí Minh) về thu hút đầu tư vốn FDI.