Áo bà ba là một loại trang phục truyền thống của người dân Nam bộ, với nét duyên dáng, cùng với lịch sử lâu đời, chiếc áo bà ba đã trở thành biểu tượng muôn đời của quê hương vùng sông nước.
Theo đó nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (2004-2024), UBND tỉnh Hậu Giang dự kiến Festival Áo bà ba diễn ra trong ba ngày (từ 29.9 đến 1.10.2023) tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, sẽ thấy rằng “bộ ba” áo bà ba, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ. Áo bà ba là biểu tượng, là tâm hồn, là kết tinh của quê hương xứ sở, là hồn Việt từ mấy trăm năm qua kể từ khi cha ông khai phá mảnh đất phương Nam.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, Festival Áo bà ba không chỉ là trình diễn thời trang áo bà ba thông thường, mà là một lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Nam bộ.
Festival Áo bà ba diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ca nhạc, ẩm thực, triển lãm ảnh, thi vẽ tranh, diễu hành... mang đậm giá trị truyền thống dân tộc, hơi thở văn hóa Nam bộ kết hợp với các hoạt động đa dạng khác.
Đặc biệt, tại Festival lần này, ban tổ chức sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo bà ba làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen được trồng trên vùng đất phèn ở Hậu Giang) kết hợp tơ tằm do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và Nha Xá, tỉnh Hà Nam thực hiện tại Festival Áo bà ba. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 2.800 ha khóm Cầu Đúc, ngoài việc thu hoạch trái, thì với diện tích khóm khá lớn, nguyên liệu để nghiên cứu dệt vải cũng là một lợi thế của Hậu Giang trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đây là lần đầu tiên Festival Áo bà ba diễn ra tại Hậu Giang và dự định sẽ được tổ chức hằng năm, qua đó để người dân biết đến nhiều hơn về chiếc áo bà ba cũng như về vùng đất và con người Hậu Giang nói riêng, Nam bộ nói chung.