Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa ban hành các Kết luận thanh tra (KLTT) số 20/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và tài nguyên nước tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đang hoạt động với quy mô 1.500 giường bệnh; số phòng khám bệnh: 48 phòng; tổng số nhân viên khoảng hơn 1.300 người.
KLTT chỉ ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện không đúng một trong số các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể: hệ thống thu gom, thoát nước mưa và nước thải không được tách biệt; nước thải sau hố thu gom và tách rác chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa bên cạnh bể điều hòa (khu vực bể điều hòa theo quy trình của hệ thống xử lý nước thải trước đây) và chảy về bể thu nước mưa (bên cạnh bể chứa nước thải sau khử trùng).
Nước từ bể thu nước mưa đang chảy liên thông qua bể chứa nước thải sau khử trùng, tất cả từ đó theo đường cống thu gom nước thải sau xử lý thoát ra điểm đấu nối ngầm với tuyến thu gom nước thải của TP. Thủ Dầu Một trên Đại lộ Bình Dương.
Ngoài ra, trước khu vực kho lưu giữ chất thải có 1 rãnh hở không có mái che thu gom nước rửa sàn kho và nước mưa, sau đó dẫn vào hệ thống thu gom nước mưa bên cạnh nhà kho và tiếp tục được dẫn về khu vực của hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cống thu gom này đã đầy, nghẽn và nước tràn lên khu vực sau nhà kho.
Theo KLTT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương không lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân loại. Cụ thể: tại kho lưu giữ chất thải nguy ngại không lây nhiễm đang chứa các vỏ thùng giấy carton (mã chất thải 18 01 05).
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải. Cụ thể: năm 2023, bệnh viện này quan trắc chất lượng nước thải không đúng tần suất giám sát theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định 510/QĐ-BTNMT ngày 28.2.2020 của Bộ TNMT (năm 2023, Bệnh viện không thực hiện quan trắc chất lượng nước thải quý I, II, III).
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương không báo cáo tổng khối lượng phát sinh chất thải rắn thông thường có thể tái chế năm 2020, 2021; không báo cáo tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2021.
Cũng theo KLTT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương còn có 3 hành vi vi phạm nhưng do hết thời hiệu xử phạt nên không xử phạt, gồm: không thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước năm 2020 cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; không quan trắc từ 75% các thông số quan trắc, giám sát chất lượng nước ngầm. Cụ thể: năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương không thực hiện việc quan trắc chất lượng nước dưới đất đối với 25/32 thông số theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT; khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép (năm 2020, 2021 do bệnh viện cung cấp (đến 25.4.2021) thể hiện bệnh viện khai thác vượt lưu lượng được cấp phép (theo giấy phép 650m3/ngày đêm).
Với các hành vi vi phạm trên, Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và Chánh Thanh tra Bộ TN-MT đã ban hành Quyết định số 159/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Bệnh viện với 4 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt 370 triệu đồng (bệnh viện đã nộp phạt).
Thanh tra Bộ TN-MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở TN-MT giám sát chặt chẽ hoạt động của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương; hướng dẫn bệnh viện thực hiện các thủ tục theo quy định trong quá trình khắc phục các tồn tại trên; yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.