Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam thông tin, đã gắp thành công dị vật nắp bút gần 4 cm trong dạ dày bé gái N.T.T.T (11 tuổi, Quảng Nam) bằng phương pháp nội soi gây mê.
Khai thác thông tin, trong lúc học bài, không may trẻ đã nuốt phải nắp bút máy. Ngay lập tức, trẻ được đưa đến bệnh viện để tiến hành nội soi dưới sự hỗ trợ của gây mê để gắp dị vật.
Qua quá trình nội soi, các bác sĩ đã gắp dị vật ra ngoài an toàn, không gây tổn thương niêm mạc thực quản của bệnh nhi. Dị vật được gắp ra ngoài là một nắp bút máy bằng nhựa cứng kích thước gần 4cm.
Bác sĩ nội soi Trần Duy Hoàn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết, dị vật đường tiêu hóa là vấn đề thường gặp phải ở trẻ nhỏ, gây ra các triệu chứng cho trẻ như: nôn, nuốt đau, nuốt khó, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt, đau bụng nặng hơn có thể gây tắc nghẽn, loét và chảy máu ống tiêu hóa.
Do đó, khi trẻ nuốt dị vật hoặc nghi ngờ con đã nuốt dị vật, cha mẹ hoặc người giám hộ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí đúng cách.
Trước đó, tương tự trường hợp bệnh nhi P.K.N (7 tuổi, Quảng Ninh) được người thân đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng khó thở, thở nhanh, ho sặc sụa, SpO2 93% do nuốt vỏ đầu bút bi.
Tại bệnh viện, kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy vị trí carina và phế quản gốc phải có hình ảnh di vật kích thước 10x30mm. Sau khi tiến hành hội chẩn chuyên khoa với kíp nội soi, kíp bác sĩ cấp cứu đã chỉ định nội soi khí phế quản, gắp thành công dị vật là vỏ đầu bút bi ra khỏi cơ thể trẻ.
Các bác sĩ cho biết, do dị vật này nằm sâu trong khí phế quản, kích thước lớn chèn ép đường thở, có nguy cơ gây suy hô hấp cho bé nên phải tiến hành thủ thật rất nhanh và thận trọng.
Sau thủ thuật, bệnh nhi tỉnh táo, thở đều, môi chi hồng, SpO2 100%, tự chơi đùa và đã được xuất viện.
Các Bác sĩ khoa Hô hấp - Tim Mạch - Tiêu Hóa - Thần kinh, Bệnh viện Sản Nhi khuyến cáo, dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng; dị vật bị rơi vào đường thở khi bé hít vào mạnh, sặc hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi,...
Do đó, cha mẹ nên thận trọng và thường xuyên nhắc nhở trẻ, chú ý khi trẻ tiếp xúc với những đồ dùng nhỏ, có cạnh sắc, nhọn có thể gây tổn thương thực quản, khí phế quản như: đầu bút, mảnh đồ chơi… Trường hợp phát hiện con bị dị vật đường hô hấp, sau khi xử trí ban đầu, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.