Nhiều ca hóc dị vật nguy hiểm từ cánh hoa tới xương cá chép, bác sĩ cảnh báo

- Thứ Năm, 22/02/2024, 17:04 - Chia sẻ

Trong thời gian gần đây, nhiều ca bệnh nguy hiểm liên quan tới hóc dị vật từ trẻ nhỏ tới người lớn. Trước tình hình trên, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được xử lý sớm. Tránh dùng các mẹo dân gian khiến dị vật xuống sâu hơn, gây ra các biến chứng.

Dị vật cánh hoa cành nhung kẽm trong trung thất

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc thông tin, tiếp nhận và nội soi cấp cứu gắp dị vật thành công cho bé trai T.G.B (7 tháng tuổi, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc).

Khai thác thông tin, người nhà phát hiện trẻ nuốt phải dị vật là cánh hoa làm từ cành nhung kẽm, nên đã nhanh chóng đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cấp cứu.

Liên tiếp nhiều ca hóc dị vật nguy hiểm  -0
Hình ảnh dị vật được gắp ra là nhung bọc dây kẽm có hình tròn và 1 đầu nhọn, đường kính khoảng 1.5cm (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, quấy khóc nhiều, tự thở đều, da niêm mạc hồng, nhịp tim rõ. Kết quả chụp X-quang cho thấy, có dị vật hình tròn cản quang chồng hình trong trung thất.

Các bác sĩ đã gấp rút tiến hành hội chẩn liên khoa Nội tiêu hóa, Gây mê hồi sức, Sơ sinh và chỉ định nội soi cấp cứu gắp dị vật cho trẻ. Dị vật được gắp ra là nhung bọc dây kẽm uốn tròn có 1 đầu nhọn với đường kính khoảng 1.5cm.

Sau ca nội soi, sức khỏe trẻ đã ổn định, trẻ ăn ngủ tốt và được chỉ định xuất viện sau 2 ngày.

Liên tiếp nhiều ca hóc dị vật nguy hiểm  -0
Bác sĩ nội soi cấp cứu gắp dị vật cho bệnh nhi (Ảnh: BVCC)

Theo ThS.BS Nguyễn Quang Huy, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết, tuy dị vật hình tròn nhưng vẫn có đầu kẽm nhọn, nếu không xử lý kịp thời có thể gây tổn thương cho trẻ như thủng thành ruột, dạ dày hay thủng nhiều vị trí mà dị vật đi qua.

Trước đây, bệnh viện đã tiến hành cấp cứu nhiều trường hợp bé ở nhiều độ tuổi nuốt các dị vật nhỏ như đinh, ốc vít, đồ chơi, hay các vật có kích thước nhỏ, tuy nhiên đây là ca trẻ nhỏ nhất khi chỉ mới 7 tháng tuổi.

Bác sĩ khuyến cáo gia đình có con nhỏ cần cẩn trọng, không nên cho bé cầm, chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ, trẻ dễ tò mò cho vào miệng ngậm, nuốt. Trong trường hợp trẻ không may nuốt phải dị vật, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp.

Mảnh xương cá chép nằm giữa thực quản

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thông tin, vừa lấy thành công dị vật cho trường hợp nữ bệnh nhân H. (56 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) do mảnh xương cá chép dài 15 mm, đâm vào vị trí 1/3 giữa thực quản.

Khai thác tiền sử bệnh nhân, người bệnh cho biết, tối hôm trước có ăn cá chép, ngay sau bữa ăn, bà cảm giác đau và nóng rát vùng giữa ngực (dọc xương ức), đặc biệt nóng rát và đau nhiều khi bệnh nhân nuốt nước miếng, uống nước.

Dù áp dụng nhiều cách như uống nhiều nước, nuốt cục cơm lớn… nhưng triệu chứng không thuyên giảm, cảm giác đau tức ngực tăng nặng suốt đêm nên sáng hôm sau bà được đưa đi cấp cứu.

Liên tiếp nhiều ca hóc dị vật nguy hiểm  -0
Mảnh xương cá chép đâm vào thành thực quản khiến người bệnh đau tức ngực dữ dội (Ảnh: BVCC)

Tại bệnh viện, sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe, các bác sĩ tiến hành nội soi thực quản – dạ dày- tá tràng kiểm tra đường tiêu hóa cho người bệnh. Tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái đường type 2, nên bác sĩ cấp cứu thận trọng đo điện tim và xét nghiệm men tim trước khi đưa bệnh nhân đi soi lấy dị vật xương cá đường tiêu hóa.

Trải qua 10 phút nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng không đau (gây mê) tìm dị vật, bác sĩ đã gắp ra mảnh xương cá đang đâm ngang thành thực quản. Sau khi mảnh xương được lấy ra, người bệnh bớt đau, thành thực quản không chảy máu, chỉ xước nhẹ ở chỗ mảnh xương đâm vào. Bệnh nhân có thể ăn cháo loãng, sức khỏe ổn định và xuất viện sau 2 ngày.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hồ Thị Bích Thủy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nuốt dị vật trong lúc ăn uống như xương cá, xương gà vịt… là tình trạng khá thường gặp.

Dị vật có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa, từ thực quản đến hậu môn. Tùy vào vị trí nông, sâu mà dị vật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xảy ra biến chứng. Nếu dị vật mắc ở vùng họng – thanh quản sẽ thực hiện thủ thuật nội soi bằng đường miệng để gắp ra dễ dàng mà không cần phải gây mê.

Liên tiếp nhiều ca hóc dị vật nguy hiểm  -0
Bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Thủy cho biết thêm, khi không xử lý kịp thời, xương sẽ di chuyển xuống phần ống tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Xương đâm thủng thực quản sẽ gây áp xe trung thất, rò thực quản, tụ máu hầu họng, tràn mủ màng phổi, màng tim, gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong. Nếu xương làm tổn thương dạ dày, ruột non, ruột già sẽ gây biến chứng viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng toàn thể hoặc khu trú.

Đồng thời, dị vật đâm xuyên ra ngoài ổ bụng gây tổn thương các tạng xung quanh, đe dọa tính mạng. Trường hợp dị vật gây thủng hoặc đi xuống vị trí sâu như ruột non sẽ cần mổ để gắp dị vật, súc rửa ổ bụng, xử lý lỗ thủng ở ruột non.

Bác sĩ khuyến cáo, để tránh những biến chứng nguy hiểm trên, mọi người cần ăn uống cẩn thận. Khi ăn cá, gà, vịt… có nhiều xương cần gỡ xương cẩn thận, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.

Bên cạnh đó, khi biết mình mắc phải xương nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được xử lý sớm. Người dân không nên dùng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng khiến dị vật xuống sâu hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm. 

Xuân Qúy
#