Phản ánh đời sống tâm linh của cộng đồng
Nước ta có 53 tộc người thiểu số. Từ bao đời nay, mỗi tộc người, dù sinh sống ở vùng thấp hay vùng cao đều bảo đảm tính liên kết cộng đồng dân cư thông qua việc duy trì và thực hành tín ngưỡng truyền thống.
Từ một số nghiên cứu và kết quả điền dã tại nhiều địa phương nhiều năm qua, TS. Lý Hành Sơn, Viện Dân tộc học cho biết, ngoài một vài tộc người duy trì tôn giáo truyền thống như Chăm, Khmer và một bộ phận của tộc người khác bị ảnh hưởng tôn giáo mới nhất là đạo Tin lành và Công giáo, đa số tộc người thiểu số ở nước ta duy trì tín ngưỡng truyền thống thông qua thế giới quan dân gian, các hình thức thờ cúng, tổ chức một số lễ hội hàng năm...
Có thể kể tới một số hình thức tín ngưỡng mang tính cộng đồng cư trú như lễ cúng thần bản/làng ở các tộc người Tày, Nùng, Thái, Sán Chay, Dao, Cơ Lao, Pu Péo...; cúng thần rừng và thần nước ở các tộc người Hà Nhì, Cống, Si La...; lễ hội mùa xuân và cầu mùa ở phần lớn các tộc người... Bên cạnh đó, mỗi dòng họ cũng có không ít nghi lễ tín ngưỡng như: lễ cúng ma dòng họ ở tộc người Mông và nhiều tộc người khác, lễ cúng ngày lập thu và Tết nhảy ở tộc người Dao...
Trong khi đó, mỗi gia đình còn có nhiều nghi lễ tín ngưỡng như: lễ cúng cơm mới ở các tộc người Dao, Tày, Nùng, Si La... Đặc biệt là các nghi lễ vòng đời người như sinh đẻ và nuôi con, cưới xin, tang ma, gọi hồn và cúng chữa bệnh, cấp sắc ở người Dao, lễ bỏ mả của các tộc người ở Tây Nguyên. Ngoài ra, còn có các lễ tiết hàng năm, gồm năm mới, rằm tháng 7 âm lịch, tảo mộ ngày 3.3 hoặc thanh minh, lễ cúng ngày 6.6 gắn với tín ngưỡng nông nghiệp của người Tày, Nùng...
GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, với cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, hệ thống phong tục, tập quán và hình thức sinh hoạt thực hành tín ngưỡng dân gian của các dân tộc chủ yếu dựa trên ý thức, tâm lý tri ân, sùng bái sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ tiếp nối nhau đối với tiền thần, tiền nhân.
Từ tâm thức và tâm lý sùng bài đó, trong các cộng đồng dân tộc, tộc người đã hình thành, sáng tạo nên các phong tục tập quán và tính thiêng trong thực hành nghi lễ, thể hiện nhận thức cũng như quan điểm ứng xử của cộng đồng với môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường nhân văn và môi trường văn hóa xã hội, trên tiến trình lịch sử.
Gắn kết cộng đồng, tô đậm bản sắc
Tín ngưỡng phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan qua các quan niệm và thực hành những dạng thức nghi lễ của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Và việc thực hành các sinh hoạt tín ngưỡng không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân, tạo tâm lý và niềm tin an lành cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, mà còn giúp tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng và gia đình.
Trong quan hệ xã hội, tín ngưỡng góp phần xây dựng thành các chuẩn mực cộng đồng. TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nêu ví dụ: tín ngưỡng thờ Tô tem, Hồn linh giáo đã đặt cơ sở cho các loại hình ứng xử của cá nhân và cộng đồng tộc người với môi trường tự nhiên. Ở Tây Bắc, đồng bào coi các loài cây, loài thú trong rừng là anh em họ hàng của người dân. Vì vậy, các tộc người nơi đây đều có hệ thống tri thức bản địa tôn trọng thiên nhiên, thiêng hóa rừng, theo luật tục khai thác gắn liền với bảo vệ thiên nhiên (không săn bắn vào mùa sinh đẻ của loài vật, không hái lượm theo kiểu đại trà, tuyệt diệt...). Người dân coi trọng rừng, coi trọng đất, đá và nguồn nước. Họ có nhiều nghi lễ thiêng hóa rừng, thiêng hóa tự nhiên... Trong xã hội truyền thống, khi quan niệm Hồn linh giáo, Tô tem giáo còn chi phối đời sống tâm linh thì cả cộng đồng đều xây dựng các chuẩn mực, khuôn mẫu ứng xử hòa thuận với thiên nhiên.
GS. TS. Bùi Quang Thanh nhận định, tín ngưỡng là “bệ đỡ” cho sự ra đời của hàng loạt di tích lịch sử - văn hóa cùng hệ thống phong phú, đa dạng các hình thức thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên bản sắc truyền thống văn hóa của một cộng đồng người nhất định trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Trong các loại hình di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số như lễ cấp sắc, lễ Pút tồng... đều bắt nguồn từ các hình thức tín ngưỡng truyền thống. Mặt khác, hoạt động tín ngưỡng còn tạo ra môi trường đặc biệt để bảo tồn di sản văn hóa. Ở đây, các thành viên cộng đồng được sức mạnh của tín ngưỡng thôi thúc học tập, tham gia vào các hoạt động truyền dạy, trình diễn...
Bên cạnh đó, việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng một cách thường xuyên, có tính chu kỳ lặp đi lặp lại đã nhắc nhở cộng đồng luôn có niềm tin về văn hóa truyền thống. Việc tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng thường xuyên cũng là dịp thực hành các di sản văn hóa, tạo tác động lan tỏa, giáo dục các thành viên của cộng đồng; qua đó giá trị văn hóa truyền thống cũng thấm sâu vào tâm tưởng của mỗi thành viên...
Cũng theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng góp phần duy trì đặc trưng văn hóa tiêu biểu, trong đó có các yếu tố văn hóa của mỗi tộc người như: chữ viết và sách, các bài cúng, bài hát và điệu múa dân gian; nhạc cụ, lễ phục, tranh thờ... Qua đó, những thông tin, tín hiệu, dữ liệu... về nguồn gốc, lịch sử và cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội của mỗi tộc người được gìn giữ, lưu truyền.