Bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng các dân tộc thiểu số

Biến đổi và mai một

- Thứ Bảy, 18/11/2023, 06:57 - Chia sẻ

Thời gian vừa qua, tín ngưỡng truyền thống các dân tộc thiểu số bị mai một do ảnh hưởng ngày càng lớn của nhiều loại hình tôn giáo có nguồn gốc từ phương Tây và sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, cùng với đó là sự biến đổi mạnh mẽ về môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội.

Lung lạc niềm tin

Một thời gian dài, khu vực vùng núi cao Tây Bắc xuất hiện đạo Vàng Chứ, lôi kéo rất đông người Mông, đặc biệt ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… tin và theo đạo này. Những kẻ lập ra đạo Vàng Chứ nói với họ rằng, nếu ai theo, chịu khó cầu nguyện thì sẽ được no ấm, được lên thiên đàng sống cuộc sống an nhàn. Theo đạo Vàng Chứ, họ đi cầu nguyện ít nhất 3 ngày/tuần và được gieo rắc niềm tin không làm mà cũng có ăn, ốm đau không cần thuốc, không cần đi khám bệnh mà chỉ uống nước của Vàng Chứ sẽ khỏi. Đồng bào Mông có phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo và nhớ đến cội nguồn, công ơn sinh thành, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi theo đạo Vàng Chứ, bàn thờ gia tiên bị đốt bỏ, không còn thờ cúng nữa. Người theo đạo Vàng Chứ chỉ tôn sùng duy nhất một đạo, tin vào duy nhất Vàng Chứ.

Đến nay, qua tuyên truyền, vận động, bà con các dân tộc dần nhận ra những mặt trái với truyền thống đạo lý của mình, những vấn đề liên quan đến đạo Vàng Chứ đã cơ bản được giải quyết. Có điều, trên thực tế còn rất nhiều đạo lạ, tà đạo hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và văn hóa của các dân tộc vẫn luôn nhăm nhe xâm nhập, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và làm lung lạc niềm tin của bà con dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Trong vài thập kỷ gần đây, sự mở rộng ảnh hưởng của các tôn giáo và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới cũng làm cho đời sống tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số có biến động lớn. Theo PGS.TS. Hoàng Thị Lan, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế ở các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo Phật giáo thì cùng với niềm tin Phật giáo, đồng bào vẫn giữ niềm tin đa thần truyền thống. Song song với thực hiện các nghi lễ Phật giáo, đồng bào vẫn thực hành các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.

Tuy nhiên, một số hiện tượng tôn giáo khi truyền bá trong đồng bào dân tộc thiểu số đã làm xói mòn các giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng truyền thống, gần như xóa bỏ hầu hết phong tục tập quán của đồng bào, tạo nên sự “sang chấn văn hóa” như làm đứt gãy truyền thống, đảo lộn các giá trị, làm rạn nứt tính cố kết cộng đồng dòng tộc, làng bản... Ở bộ phận đồng bào theo Công giáo và Tin lành còn thực hiện một số nghi lễ tín ngưỡng truyền thống (tưởng nhớ tổ tiên, tham gia lễ hội truyền thống, cúng ma...) thì việc thực hành các nghi lễ này cũng không còn thường xuyên như ở bộ phận đồng bào không theo đạo.

Mai một giá trị

Theo các nghiên cứu, tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số là tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là các loại hình tín ngưỡng thờ thần, tín ngưỡng liên quan đến sản xuất, tín ngưỡng vòng đời người... Trong bối cảnh mới, nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam tỏ ra không còn phù hợp, trở thành gánh nặng kinh tế đối với đồng bào hoặc đang mai một, không còn được thực hành trong đời sống.

Sự mai một các nghi lễ truyền thống đã đưa lại những tác động trên cả hai mặt cho đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặt tích cực là một số hủ tục được loại bỏ, làm cho đời sống của đồng bào văn minh, tiến bộ hơn. Ví dụ, trước đây các nghi lễ vòng đời của người Mường và một số dân tộc khác được thực hành rất cầu kỳ, tốn kém, nhưng hiện nay có phần đơn giản hơn.

Tuy nhiên, cùng với sự mai một các nghi lễ tín ngưỡng là sự phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có không ít giá trị từng là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa tộc người. Đơn cử trước đây, lễ hội Xăng Khan từng có quy mô lớn nhất trong cộng đồng người Thái. Đây là lễ hội tín ngưỡng truyền thống của đồng bào với ý nghĩa tạ ơn các ông mo đối với tổ tiên và những người thầy đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu người, nhưng những năm gầy đây, tại nhiều bản làng của người Thái, lễ hội tín ngưỡng này không còn nữa.

Theo dòng chảy của thời gian, nhất là khi tốc độ đô thị hóa ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang diễn ra nhanh chóng, không ít buôn làng, phum sóc, bản mường mất dần vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, cảnh vật. Điều này tác động không nhỏ đến việc duy trì tín ngưỡng, vì phần lớn diễn ra gắn với các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn…

Chưa kể, cùng với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhiều giá trị văn hóa của các tộc người đã đan xen, tiếp biến, thẩm thấu lẫn nhau. Quá trình này làm cho sinh hoạt tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc được bổ sung nhiều yếu tố mới phong phú hơn, đa dạng hơn, song cũng làm nảy sinh yếu tố tiêu cực khi đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc không được quan tâm duy trì, phục hồi.

Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết không chỉ cho công tác tín ngưỡng mà còn cho cả quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thái Minh
#