Bệnh nhi là nam, quê Sơn La, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Sơn La lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tối 21.8.
Theo lời kể người nhà, cách vào viện 1 tháng, cháu bé bị chó lạ đi qua cắn vào má phải. Sau khi cắn, chó đi mất, không theo dõi được chó. Gia đình có cho bệnh nhi đi tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng dại.
Cách vào viện 2 ngày, cháu bé có sốt cao (38.5 độ) kèm đau đầu, buồn nôn, mất ăn ngủ, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhi được đưa vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn La 2 ngày, sau đó chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhi vào khoa trong tình trạng kích thích, sợ nước sợ gió, sợ ánh sáng, không ăn uống được, chẩn đoán theo dõi dại lên cơn.
Sau khi được bác sĩ trao đổi tình trạng bệnh, chỉ sau hơn 2 giờ nhập viện, gia đình xin đưa bệnh nhi về chăm sóc tại nhà.
Theo bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tư vấn tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do nhiễm vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cào, cắn, liếm của động vật bị dại lên da tổn thương.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người qua vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân cần tiêm phòng dại ngay sau khi bị phơi nhiễm. Với công nghệ sản xuất hiện đại, đến nay, vaccine phòng bệnh dại đảm bảo tính an toàn và hiệu quả bảo vệ rất cao, không có hại cho sức khỏe.
Bác sĩ Đại khuyến cáo khi bị chó cắn, người dân nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại vết thương và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt, cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.
Nếu bị chó cắn vào các vị trí như: đầu mặt cổ, bộ phận sinh dục, đầu bàn chân bàn tay hay các trường hợp đa chấn thương với vết thương rộng, sâu, người dân phải đi tiêm phòng dại ngay, đầy đủ cả vaccine và huyết thanh kháng dại.