
Quốc hội Trung Quốc có tối đa 3.000 đại biểu (theo Hiến pháp). Số đại biểu Khóa XIV là 2.977 người được bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm thông qua một hệ thống bầu cử nhiều cấp. Các đại biểu của Quốc hội do các Đại hội đại biểu cấp tỉnh (HĐND tỉnh) bầu ra.
Đại biểu HĐND tỉnh, khu tự trị, đô thị trực thuộc Trung ương, châu tự trị (đơn vị hành chính cấp địa khu, thấp hơn tỉnh, lớn hơn huyện, nơi các sắc tộc thiểu số ở Trung Quốc được hưởng những quyền tự chủ nhất định) và các thành phố được các đại hội đại biểu cấp dưới trực tiếp bầu ra.
HĐND địa phương được bầu cử dân chủ, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. HĐND cấp xã, huyện, thị trấn được cử tri bầu trực tiếp. Mọi công dân Trung Quốc đủ 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, bất kể tình trạng dân tộc, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ học vấn, tình trạng tài sản hoặc thời gian cư trú.
Người ứng cử đại biểu HĐND các cấp được đề cử trên cơ sở khu vực bầu cử hoặc đơn vị bầu cử. Các đảng phái chính trị và các tổ chức Nhân dân có thể cùng hoặc riêng rẽ giới thiệu ứng cử viên đại biểu. Ngoài ra, bất kỳ cử tri hoặc đại biểu nào cũng có thể, với ít nhất 10 người ủng hộ, đề cử một ứng cử viên. Số lượng người ứng cử đại biểu phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu. Việc bầu cử sẽ tiến hành bằng bỏ phiếu kín. Tất cả các dân tộc thiểu số cần có số lượng đại biểu phù hợp.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì. Số lượng đại biểu và thể thức bầu cử do luật định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hoàn thành việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tiếp theo hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Quốc hội hiện tại. Nếu có tình huống bất thường ngăn cản cuộc bầu cử diễn ra thì nó có thể bị hoãn lại và nhiệm kỳ của Quốc hội hiện tại có thể được kéo dài bằng một nghị quyết được ít nhất 1/3 thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện tại ủng hộ. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội tiếp theo phải được hoàn thành trong 1 năm kể từ khi những tình huống bất thường nói trên kết thúc.
Box: Đại lễ đường Nhân dân - Niềm tự hào của Trung Quốc
Đại lễ đường Nhân dân tráng lệ là công trình kiến trúc hiện đại ở Trung Quốc, hấp thụ cả tinh hoa kiến trúc trong nước lẫn nước ngoài, đồng thời thể hiện phong cách dân tộc riêng biệt. Kể từ khi thành lập đến nay, Đại lễ đường luôn là địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của Đảng, nhà nước và các hoạt động ngoại giao. Nó đặc biệt được sử dụng làm nơi diễn ra các hoạt động lập pháp như các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Chính tại đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn, làm thay đổi quá trình phát triển của Trung Quốc. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao của đất nước và biểu tượng quốc gia, Đại lễ đường Nhân dân tượng trưng cho niềm tự hào và phẩm giá của người dân Trung Quốc thuộc mọi dân tộc.
Đại lễ đường Nhân dân nằm ở phía Tây Quảng trường Thiên An Môn, đối diện Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc và Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc ở phía Đông. Ở phía Bắc và phía Nam là Thiên An Môn - quảng trường mở lớn nhất thế giới và Cổng Chính Dương.
Quyết định xây dựng Đại lễ đường nhân dân được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra vào tháng 8.1958. Thủ tướng Chu Ân Lai nhấn mạnh nguyên tắc thiết kế “Nhân dân là chủ đất nước”. Khi đi thị sát công trường, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông từng đánh giá cao tâm huyết của những người xây dựng và đặt tên cho công trình này là “Đại lễ đường Nhân dân”. Công trình kiến trúc tráng lệ này được hoàn thành trong thời gian 10 tháng, từ tháng 11.1958 đến tháng 9.1959. Trong bốn thập kỷ qua, công trình này được cải tạo nhiều lần, song vẫn duy trì phong cách rất đặc biệt.