- Thưa ông, trong thời gian qua, Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã có những chiến lược cụ thể nào nhằm nâng cao chất lượng dân số?
- Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước nói chung, cơ quan chuyên môn là Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế nói riêng, đã và đang thực hiện nhiều bước đi cùng những biện pháp công tác rất cụ thể để từng bước nâng cao chất lượng dân số. Có thể khẳng định, chất lượng dân số của người dân Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện rất rõ nét. Song, về chiều cao, về cân nặng cũng như về chỉ số thông minh và tất cả các tiêu chí để bảo đảm chất lượng dân số vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Chính vì vậy, trong mục tiêu nâng cao chất lượng dân số được hoạch định ở giai đoạn 2011 - 2015 và chuẩn bị giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ của Tổng cục dân số đã được Chính phủ, Bộ Y tế phê chuẩn trong chiến lược về dân số sức khỏe sinh sản đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 với những công việc hết sức cụ thể. Đó là, những bước đi, những dự án, những nội dung được triển khai cho toàn bộ đất nước nói chung, cho các bộ, ngành, đoàn thể cũng như 63 tỉnh, thành phố nói riêng.
- Mặc dù ngành dân số đã thực hiện nhiều chương trình nâng cao chất lượng dân số, song có thể thấy chất lượng dân số chưa có được bước cải thiện mang tính đột phá, và đặc biệt là vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa các vùng, miền. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào ?
- Chúng ta có thể khẳng định rằng, chất lượng dân số hiện nay đã có những chuyển biến khá rõ. Tuy nhiên, nếu xét về phương diện vùng, miền, về những đặc thù mang yếu tố văn hóa có thể thấy điều này chưa đạt yêu cầu. Ví dụ như ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, vẫn xảy ra hiện tượng hôn nhân cận huyết, tảo hôn và đặc biệt là một loạt các vấn đề về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, cùng các bệnh Thalasimi, hoặc vấn đề về di truyền. Đây là hiện tượng thuộc về khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như về năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện công việc này, khi mà họ chưa thực sự đạt yêu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó, việc phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chính là một yêu cầu mà Tổng cục Dân số đang tổ chức thực hiện như một đòi hỏi bắt buộc trong công tác chuyên môn.
Về vấn đề này, điều băn khoăn lớn nhất là chưa có cặp vợ chồng nào trước khi cưới tìm đến cơ quan chuyên môn để tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là một thực tế và cũng chính là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với chúng tôi. Bên cạnh đó, vấn đề chăm sóc tiền thai hiện vẫn đang còn rất nhiều bất cập, cần có thêm các bước đi cụ thể hơn.
- Thưa ông, sự mất cân bằng giữa mức sinh của các vùng, miền trong cả nước dường như đang làm cho câu khẩu hiệu “Mỗi gia đình chỉ sinh từ một đến hai con” gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số mà chúng ta đang hướng tới?
- Hiện nay, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế, nhưng vấn đề là mức sinh không bảo đảm đồng đều ở các vùng miền, nhất là ở các tỉnh miền núi và các tỉnh phía Bắc. Tại đây, mức sinh vừa dày, số lượng lại cao. Trong khi đó, các tỉnh miền Nam, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh mức sinh chỉ trên 1,33. Đây là vấn đề mà Tổng Cục dân số đang có những tính toán để vận dụng cho từng vùng, miền. Chính vì thế, thông điệp cũ là “Mỗi gia đình chỉ sinh từ một đến hai con” không được vận dụng, mà đã được thay thế bằng thông điệp mới: “Mỗi gia đình hãy nên đẻ hai con”. Riêng với TP Hồ Chí Minh đã vận dụng thông điệp “Mỗi gia đình hãy đẻ đủ hai con”. Đây là một trong những cách làm phù hợp với điều kiện, phong tục, vùng miền, đặc thù từng nơi để bảo đảm được mức sinh cùng chất lượng dân số mà chúng ta đang hướng tới. Bởi hiện nay tuổi đời của người Việt Nam mới đạt 73,2, đang còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
- Hiện nay vấn đề tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa phải là vấn đề bắt buộc đối với các cặp vợ chồng trước khi kết hôn. Vậy theo ông, để giới trẻ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này cần có những biện pháp gì?
- Đúng là hiện nay tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa phải là vấn đề bắt buộc và giới trẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động lớn chứ chưa hề có một văn bản quy phạm pháp luật nào mang tính kỷ luật hay biện pháp hành chính quy định điều này.
Những người làm công tác dân số như chúng tôi thực sự mong đợi, trước khi mỗi cặp vợ chồng đăng ký kết hôn phải có tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Để giới trẻ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết là sự vào cuộc các tổ chức chính trị, đặc biệt là Đảng, cũng như các Đoàn thể, đơn vị sự nghiệp. Từng đơn vị phải có chủ trương, văn bản cụ thể. Thứ hai, là tại các địa phương phải làm thật tốt công việc truyền thông, để nghe sự phản hồi. Thứ ba, là phải có những biện pháp hỗ trợ nâng cao về phương tiện, cơ sở vật chất, về đội ngũ chuyên môn và những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chỉ như vậy việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân mới thực sự đi vào cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông!