Lớp tập huấn nhằm trang bị cho các cán bộ, công nhân viên những kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; kỹ năng sử dụng các phương tiện được trang bị tại cơ sở y tế…
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an), trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy (9 vụ cháy/ngày), trong đó 87 người chết, 206 người bị thương, thiệt hại về tài sản 1.631 tỷ đồng. Trong tháng 10.2023 xảy ra 1.639 vụ cháy, nổ khiến 139 người chết, 119 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 229,76 tỷ đồng.
Với phương châm “Tích cực phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy có hiệu quả”, hiện nay công tác PCCC và CNCH đang được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, phòng cháy, chữa cháy tại chỗ phải là lực lượng nòng cốt trong hoạt động này tại cơ sở.
Vì vậy, việc tổ chức tập lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho cán bộ, công nhân viên, nhất là lực lượng PCCC tại chỗ của bệnh viện là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.
“Xác định công tác PCCC và CNCH có vai trò hết sức quan trọng, hàng năm, công an quận và công an thành phố đến tập huấn cho cán bộ, công nhân viên tại cơ sở. Với đặc thù cơ sở có mật độ người ra vào cao, cả 6 tầng của bệnh viện đều trang bị bình cứu hỏa và hệ thống báo cháy bảo đảm chất lượng. Công an quận Hoàng Mai cũng thường xuyên đến để kiểm tra và giúp đơn vị bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC. Nhờ đó, bệnh viện có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, thông thạo các kỹ năng PCCC, bảo đảm có mặt nhanh nhất khi có dấu hiệu hỏa hoạn” - Giám đốc Bệnh viện Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Thông qua lớp huấn luyện, cán bộ, công nhân viên được nâng cao hơn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ PCCC và CNCH, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn có thể xảy ra tại bệnh viện cũng như tại gia đình.