Bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh
Dự án Luật Kiến trúc được kỳ vọng sẽ xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu hội nhập quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm trong nước và ngoài nước. Nhưng câu hỏi về bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì dường như vẫn chưa được trả lời. Theo Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, chúng ta chưa xây dựng được bản sắc cho kiến trúc nước nhà, cũng không có bản sắc của kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn. Thậm chí có trường hợp, kiến trúc còn phá vỡ cảnh quan, không gian sống, môi trường sống của người dân. Hiện nay, nước ta có nhiều loại kiến trúc được du nhập từ các nước như Nga, Pháp, Trung Quốc và cả kiến trúc “tân cổ” kết hợp. Bản sắc kiến trúc đặt ra yêu cầu phù hợp với môi trường, con người, kinh tế và phù hợp với nguyên vật liệu phục vụ cho xây dựng, thi công các bản vẽ kiến trúc. Kiến trúc góp phần tạo ra văn hóa Việt Nam. Nhưng nếu không xác định được bản sắc kiến trúc Việt Nam thì lấy gì để duy trì, bảo tồn và phát huy?
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chỉ rõ, kiến trúc nước ta đang trong tình trạng bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh. Kiến trúc dần trở thành sự cóp nhặt và bắt chước nhau. Kiến trúc phải có hiện đại và dân tộc, giữa phổ biến và đặc thù. Ví dụ kiến trúc ở khu vực địa khí hậu như nước ta thì đặc thù của kiến trúc là gì? Trước đây, người dân tộc thiểu số có bản sắc kiến trúc là nhà sàn, nhà dài, nhưng nay trong quá trình đô thị hóa, đồng bào các dân tộc cũng đang xây nhà bê tông, cốt thép như người miền xuôi. Tình trạng đáng buồn nữa là, ở nước ta, các công trình kiến trúc phải thành di sản mới được bảo trì, bảo dưỡng, trùng tu, còn không là bị bỏ lơ. Ví dụ, ở Thừa Thiên - Huế, một ngôi chùa có kiến trúc đẹp với trụ gỗ mang phong cách thời xưa, nay đã bị thay trụ gỗ bằng cột bê tông, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kiến trúc mang tính biểu tượng của một quốc gia, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, chúng ta rất cần có những sản phẩm kiến trúc mang hồn cốt của dân tộc.
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp |
Ảnh: Q. Khánh |
Vai trò của người kiến trúc sư trưởng như thế nào?
Kiến trúc là ngành nghề đứng giữa nghệ thuật văn hóa và khoa học công nghệ. Kiến trúc sư có thể sinh hoạt ở hai hội gồm: Liên hiệp hội khoa học công nghệ và Liên hiệp các hội nghệ thuật. Nếu đã có yếu tố nghệ thuật thì chúng ta phải đặt vấn đề quản lý và phát triển như thế nào?
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, một chủ thể quan trọng, góp phần phát triển kiến trúc là kiến trúc sư trưởng và các văn phòng kiến trúc chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật. Vai trò của người kiến trúc sư trưởng như thế nào? Muốn sửa sang cơ sở hạ tầng do kiến trúc sư trưởng thiết kế có phải hỏi ý kiến của kiến trúc sư trưởng hay không? Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, Ban soạn thảo đánh giá lại vai trò kiến trúc sư trưởng ở các thành phố và địa phương để xây dựng thiết chế tư vấn, quản lý kiến trúc một cách chuyên nghiệp và trách nhiệm. Người hành nghề kiến trúc nên có chứng chỉ công nhận năng lực hành nghề.
Là người trong ngành kiến trúc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn hy vọng, Luật Kiến trúc sẽ mở ra một kỷ nguyên cho kiến trúc phát triển, tạo điều kiện cho kiến trúc sư hành nghề tốt hơn, được bảo hộ, có bản quyền tác phẩm và được hưởng thụ xứng đáng hơn những công sức bỏ ra.
![]() |
Trước những yêu cầu đặt ra cho ngành kiến trúc, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ban soạn thảo rà soát lại thực trạng kiến trúc Việt Nam. Trên cơ sở này, xác lập cơ chế, chính sách thiết kế kiến trúc, công trình kiến trúc thế nào? Phải làm rõ khái niệm kiến trúc quốc gia; rà soát lại nguyên tắc hoạt động của kiến trúc, kiến trúc đô thị, nông thôn, phố cổ sẽ như thế nào? Quy chế quản lý, điều chỉnh và phê duyệt kiến trúc. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định của kiến trúc, tránh kiến trúc phản cảm, thiếu văn hóa, không phù hợp với văn hóa Việt Nam, phong tục, tập quán của Việt Nam. Quyền lợi và nghĩa vụ của kiến trúc sư cũng cần được quy định rõ trong luật. Tất nhiên quyền lợi phải được ràng buộc với trách nhiệm.
Mong muốn chung của các Ủy viên UBTVQH là quy định của dự án Luật phải thể hiện cho được quan điểm kiến trúc là một loại hình nghệ thuật - kỹ thuật, gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội, tổ chức không gian sống của con người và xã hội; chú trọng thể hiện bản sắc Việt Nam trong các công trình xây dựng, kiến trúc mới.