Cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu?
Trước đề xuất cần cấm các sản phẩm thuốc lá mới, tại tọa đàm “Ngăn ngừa các sản thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe cộng động” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đã đề cập đến những cơ sở pháp lý của hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, Hiến pháp đã quy định rõ: Người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Thuốc lá điện tử (TLĐT) là mặt hàng mới nên chưa được định danh trong danh mục những mặt hàng cấm. Về mặt kỹ thuật, ông Hạ cho rằng cần phải rõ ràng về việc cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu… dựa trên thông lệ quốc tế, các thỏa thuận hợp tác quốc tế mà Việt Nam tham gia và đang là thành viên uy tín, tích cực.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, Chủ tịch Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (SB Law), Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, Việt Nam đang hướng đến hội nhập kinh tế thông qua Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA). “Đề xuất cấm cần được xem xét lại, vì đây là quyết định ngăn chặn sự phát triển của các sản phẩm đáp ứng quy luật cung - cầu của xã hội và phù hợp xu thế ứng dụng công nghệ”.
Đứng về góc độ nhu cầu của người tiêu dùng, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận: “việc đưa TLTHM vào quản lý không chỉ phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành mà còn phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế. TLTHM được tạo ra để giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường”.
Vướng mắc nhiều quan ngại pháp lý
Đến nay, các ca ngộ độc về TLĐT được ghi nhận đều có nguồn gốc từ thị trường chợ đen với chất lượng trôi nổi. Thực tế, các sản phẩm TLTHM chính danh đã qua kiểm nghiệm và công nhận bởi các cơ quan y tế quốc tế vẫn chưa được cung cấp hợp pháp. Do đó, các chuyên gia cho rằng thiếu cơ sở thực tiễn để cấm TLTHM trong bối cảnh thị trường chợ đen đang thao túng người dùng và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cho rằng, các cơ quan quản lý cần phân định rõ, sản phẩm chứa ma túy, chất cấm núp bóng dưới vỏ bọc TLĐT thì không còn được coi là sản phẩm thuốc lá nữa. Bởi vì, ma túy mặc nhiên đã thuộc danh mục hàng hóa bị cấm.
Các bộ ngành, chuyên gia đã đánh giá việc cấm TLTHM vướng nhiều quan ngại pháp lý khi Việt Nam đã có luật kiểm soát thuốc lá hiện hành cũng như các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mặc dù quan ngại về tác động có thể có của các sản phẩm TLTHM đến giới trẻ là hợp lý, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất để giải quyết lo ngại này là áp dụng phương thức quản lý chặt chẽ cùng với việc thực thi pháp luật nghiêm minh, đặc biệt là đối với kênh bán lẻ, giống như cách các quốc gia tiên tiến đang thực hiện. Việc cấm không đảm bảo TLTHM sẽ không còn hiện diện, mà chỉ đẩy người mua sang thị trường chợ đen, thay vì giữ các sản phẩm này trong tầm kiểm soát của pháp luật. Điều này không những không bảo vệ được giới trẻ như mục tiêu ban đầu mong muốn, mà còn đi ngược lại quyền lợi hợp pháp được pháp luật công nhận, cụ thể là quyền tiếp cận mọi sản phẩm chính danh, không thuộc ngành hàng bị cấm của người dân, trong đó có người hút thuốc.
Trước khi Hội nghị Các bên lần thứ 10 (COP10) diễn ra, trong đó Việt Nam là thành viên tích cực, Bộ Công thương dự kiến sẽ trình Chính phủ về Nghị định 67 sửa đổi để tạo điều kiện để quản lý sản phẩm TLTHM vào quý 2 năm 2023. Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công thương Ngô Khải Hoàn đã khẳng định: Chính sách quản lý và kinh doanh TLTHM của các nước tiến bộ như Hoa Kỳ, New Zealand… là cơ sở để chúng ta tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách.