Giải pháp mong manh
Theo WSJ, sự sụp đổ của hai ngân hàng lớn ở Mỹ nói trên và và làn gió hoảng loạn mà những sự kiện này đã gây ra trên thị trường toàn cầu nhấn mạnh giải pháp mong manh mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng thực hiện, khi họ tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ để dập tắt lạm phát cao.
Việc tăng lãi suất nhanh chóng của các ngân hàng trung ương trong năm qua không chỉ tạo gánh nặng đến hoạt động vay nợ và tăng trưởng kinh tế nhằm mục đích hạ nhiệt lạm phát, mà còn làm giảm giá trị của danh mục đầu tư trái phiếu mà các ngân hàng thương mại đang nắm giữ, sự kết hợp không tốt đối với một số người cho vay.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói riêng đã phải hiệu chỉnh kỹ lưỡng chính sách tiền tệ của mình. Nó phải tăng lãi suất đủ cao để hạ nhiệt lạm phát, nhưng không cao đến mức làm sụp đổ nền kinh tế châu Âu đang suy yếu do chiến sự ở Ukraine hoặc áp đảo các chính phủ mắc nợ của Italy, Hy Lạp hoặc Pháp. Bây giờ, cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ đã nhấn mạnh mối nguy hiểm thứ tư đối với ECB, rủi ro mà lãi suất của nó tăng lên có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính.
Tại Đức, Ngân hàng Trung ương Bundesbank triệu tập nhóm xử lý khủng hoảng vào ngày 13.3 để đánh giá hậu quả có thể xảy ra đối với các ngân hàng và thị trường, khi cổ phiếu của Commerzbank giảm 13%. Tại Vương quốc Anh, các nhà quản lý cho biết họ đã bán công ty con địa phương của SVB cho HSBC vào ngày 13.3.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn của châu Âu giảm khoảng 3% hôm đầu tuần và chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu Chính phủ Đức và Italy nới rộng, báo hiệu tâm lý ngại rủi ro của các nhà đầu tư gia tăng. Đồng euro tăng lên tương đương với 1,074 USD, tăng khoảng 2 cent so với một tuần trước đó, khi nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm bắt đầu giảm lãi suất.
Khó lặp lại khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008?
Trọng tâm của âu lo trên thị trường là câu hỏi: Các nhà chức trách Mỹ đã làm đủ để giải quyết vấn đề chưa, hay đây chỉ là khởi đầu của bất ổn tài chính rộng hơn mà giờ đây sẽ lan rộng khắp các nền kinh tế thị trường liên kết với nhau về tài chính trên thế giới?
Một số nhà đầu tư và giới lãnh đạo ngân hàng trung ương lo ngại, mối liên kết giữa các tổ chức tài chính, suy thoái kinh tế hoặc thậm chí chỉ là sự hoảng loạn của thị trường có thể khiến nhiều ngân hàng hoặc tổ chức khác gặp khó khăn, đồng thời tạo ra vòng lặp diệt vong rộng lớn hơn trong nền kinh tế. Ông Stefan Gerlach, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, cho biết: “Khi bạn tăng lãi suất đến mức đó, rõ ràng là có nguy cơ xảy ra sự cố”.
Vụ phá sản của SVB và SB dự kiến sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận chính sách quan trọng của các ngân hàng trung ương trong những tuần tới, bao gồm cả cuộc họp của ECB vào 16.3. Chủ tịch ECB Christine Lagarde báo hiệu, ngân hàng này dự định tăng lãi suất cơ bản thêm nửa điểm phần trăm lên 3%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Những kế hoạch đó khó có thể thay đổi, nhưng hậu quả từ Mỹ có thể nảy sinh quan điểm chống lại việc tăng lãi suất lớn hơn nữa.
Cho đến nay, ECB đã tăng lãi suất với mức tăng tối đa là 0,75 điểm phần trăm tại các cuộc họp hàng tháng. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng, ECB sẽ tăng lãi suất cơ bản lên khoảng 3,2% vào cuối năm nay, giảm mạnh so với kỳ vọng lãi suất cao nhất khoảng 4% vào đầu tháng này, theo dữ liệu của Refinitiv.
Hiện các nhà phân tích vẫn nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu rộng lớn hơn, tương tự như cuộc khủng hoảng nổ ra năm 2008, có vẻ khó xảy ra. Theo Capital Economics, cốt lõi của hệ thống ngân hàng Mỹ và hệ thống ngân hàng toàn cầu được vốn hóa tốt hơn nhiều, nắm giữ bộ đệm thanh khoản lớn hơn và chịu các bài kiểm tra căng thẳng thường xuyên của các giám sát viên.
SVB phải đối mặt với những vấn đề cụ thể liên quan đến rủi ro không được bảo hiểm và cơ sở khách hàng không đa dạng của nó. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, các công ty con ở nước ngoài của ngân hàng này có quy mô nhỏ và không phải chịu các bài kiểm tra căng thẳng của FED, vốn có thể kiềm chế hành vi của SVB.
Ông Paolo Gentiloni, quan chức chính sách kinh tế hàng đầu tại Ủy ban châu Âu, cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy nguy cơ lây lan khủng hoảng cụ thể. Theo ông, việc giảm cổ phiếu ngân hàng sau các sự kiện là có thể dự đoán được, nhưng tất cả các ngân hàng châu Âu, không chỉ các ngân hàng lớn nhất, đều tuân thủ các tiêu chuẩn quy định khắt khe”.
Dẫu vậy, các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương có thể vẫn thận trọng.
Nhiều nhà đầu tư hiện tin rằng, FED sẽ giảm lãi suất vào cuối năm nay. Đó là bước ngoặt lớn so với chỉ một tuần trước, khi Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu với các nhà lập pháp Mỹ rằng, cơ quan này có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến.
Đối với các ngân hàng trung ương, theo ông Gerlach, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, “đó là sự đánh đổi. Bạn phải suy nghĩ về mức độ lạm phát mà bạn sẵn sàng mạo hiểm để có thêm một chút ổn định tài chính”.
Trong khi đó, ông Kallum Pickering, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Berenberg, nhận định, cho đến khi các ngân hàng trung ương tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của họ, những tác động chậm trễ của các lần tăng lãi suất trước đây được xử lý và các ngân hàng tự tin rằng họ đã điều chỉnh hoàn toàn theo mức lãi suất cao hơn, thì các nhà đầu tư có thể không sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn.