Áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản
Với mong muốn, quyết tâm tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI (tháng 5.2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, tái thành lập Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo. Bên cạnh tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ án nghiêm trọng được chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được kết quả tốt.

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7.12.2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục nêu rõ: “…áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng…”.
Mới đây, quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng với nhiều biện pháp như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2.6.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và Kết luận số 05-KL/TW ngày 3.6.2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Qua đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt hiệu quả cao.
Chú trọng công tác phối hợp
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhiều ý kiến đồng tình cần có giải pháp tổng thể và toàn diện từ hoàn thiện, thực thi pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phối hợp giữa các chủ thể cùng tham gia quá trình thu hồi tài sản.

Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình Trần Văn Dũng đề xuất, cần hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng đặt nhiệm vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ngang bằng với nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự để thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng khi người phạm tội bỏ trốn hoặc chết (khi có đủ căn cứ chứng minh tài sản là do phạm tội mà có).
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh tiền, tài sản thi hành án dân sự. Quy định rõ trong các vụ án tham nhũng phải cho phép áp dụng các biện pháp kê biên tài sản ngay từ khi đủ cơ sở khởi tố để tránh việc tẩu tán tài sản. Cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt đối với một số loại tội, trong đó có các tội phạm về tham nhũng như ghi âm, nghe điện thoại, kiểm tra thư tín, tài khoản ngân hàng… giúp nhanh chóng phát hiện, làm rõ tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp (Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2.6.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế).
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự Lê Tuấn Sơn, cần sớm hoàn thiện quy định của pháp luật thi hành án dân sự thông qua xây dựng trình tự, thủ tục riêng cho quá trình xác minh, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Nghiên cứu giao Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Giá tài sản do Sở Tài chính thẩm định sẽ là giá khởi điểm để cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá.
Từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, việc tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan hữu quan do đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác này. Theo đó thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với các cơ quan giám định tư pháp trong một số lĩnh vực cần thiết như tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đấu giá, đấu thầu nhằm đảm bảo tính kịp thời, chính xác của kết luận giám định phục vụ tốt công tác điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng.