Nhân tài là điểm “kích nổ” KH-CN bứt phá
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm, ngành KH-CN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của KH-CN và ĐMST như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ cao còn chậm được ban hành, quy định hướng dẫn phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ KH-CN còn phức tạp và thiếu ổn định, còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh...
Theo các chuyên gia, có nhiều giải pháp để KHCN và ĐMST bứt phá, một trong số đó là vấn đề nhân lực KH-CN. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, “điểm kích nổ trong chính sách để KH-CN Việt Nam bứt phá chính là nhân tài, chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài KH-CN mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam”.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, để “kích nổ” KH-CN đột phá phải có nhân tài, nhưng muốn có được nhân tài, chúng ta phải có môi trường để họ cống hiến tốt, phải có một cơ chế, chính sách hết sức phù hợp. “Ngày xưa, trong điều kiện rất khó khăn chúng ta có những nhà khoa học rất nổi tiếng, như Trần Đại Nghĩa sản xuất ra bom bay hay bom ba càng; như Đặng Văn Ngữ sản xuất “nước lọc Penicillin” hay những nhà bác học như Lương Định Của... Hiện nay chúng ta phải thu hút được nguồn lực xã hội để đảm bảo được những sáng kiến và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn chứng.
Với cương vị là "tư lệnh" ngành, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng để tạo bứt phá vềKH-CN và ĐMST thì giải pháp đầu tư cho nghiên cứu là quan trọng, bao gồm kinh phí, nguồn lực cũng như về cơ chế chính sách để nhà khoa học có điều kiện, tâm thế sẵn sàng cống hiến cho KH-CN. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao để xây dựng đề án này. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Bộ sẽ cố gắng cao nhất để đề án thực sự thu hút được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, ngoài nước về làm việc hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục động viên các nhà khoa học tham gia tích cực vào công việc nghiên cứu KH-CN và ĐMST. “Tôi rất mong các cấp có thẩm quyền hãy tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, giao trọng trách, nhiệm vụ cho họ, giao cơ chế, chính sách cho họ một cách thỏa đáng để họ có thể phát huy năng lực, khả năng để cống hiến”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Giải quyết vấn đề của KH-CN cần tiếp cận theo hướng liên ngành
Khẳng định những đóng góp của KH-CN thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên theo các nhà khoa học để KH-CN thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải “tăng tốc” tháo gỡ các cơ chế chính sách một cách triệt để. Cụ thể, tiếp tục tháo gỡ cơ chế tài chính trong nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH-CN trong đó tập trung sửa đổi bổ sung Luật KH-CN, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử…; áp dụng thí điểm một số chính sách, mô hình hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KH-CN tiên tiến vào cuộc sống; sửa đổi, hoàn thiện các quy định về tài chính để doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ Quỹ Phát triển KH-CN của doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước và nước ngoài; tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực KHCN và ĐMST trình độ cao.
Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tăng cường đầu tư cho KH-CN và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu KH-CN trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư cộng đồng và các nền tảng công nghệ số. Nghiên cứu cho phép thử nghiệm có kiểm soát chính sách mới, thúc đẩy ứng dụng sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, có giải pháp đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ KH-CN, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Thúc đẩy hoạt động truyền thông về vai trò KH-CN, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế.