Khoa học công nghệ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội vùng
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ (vùng) bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có nhiều tiềm năng, lợi thế trên các mặt.
Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) đồng bộ, hiện đại… thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực…”
Đồng thời, quan điểm về phát triển vùng chú trọng: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết trong 2 năm qua, KHCN và ĐMST vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng. Khoa học xã hội nhân văn có đóng góp tích cực trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền địa phương hoạch định cơ chế, chính sách, định hướng phát triển KT-XH, bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của các địa phương trong vùng. Nhiều kết quả KH-CN, tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển hàng hoá, dịch vụ... tại địa phương, một số doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ tiên tiến, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn; từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của cách mạng công nghiệp 4.0 qua đó góp phần chủ động nguồn cung trong nước, giảm giá thành sản phẩm; xây dựng được giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi tiềm lực KH-CN của nhiều địa phương trong vùng còn hạn chế: nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn thiếu; hoạt động ứng dụng công nghệ chủ yếu có quy mô nhỏ, ở phạm vi xây dựng mô hình và còn nhiều khó khăn khi nhân rộng, phát triển; thiếu nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển KT-XH của địa phương và vùng.
Để khoa học công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng
Nhấn mạnh tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã kết luận nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đưa KHCN và ĐMST thực sự trở thành “động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả”, là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương trong vùng.
Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN và ĐMST làm cơ sở để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN và ĐMST tại các địa phương trong vùng và cả nước, trọng tâm là việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, các luật chuyên ngành. Đồng thời, các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch… nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương và vùng.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST bao gồm ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức KHCN trong vùng. Có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia KHCN tham gia hoạt động KHCN ở địa phương, nhất là để tham gia giải quyết các nhiệm vụ KHCN quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương, có tác động đến phát triển KT-XH.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản; các lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương/vùng như: phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh; khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển đảo; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của vùng…
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng cần tăng cường phối hợp với Bộ KHCN trong đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia, bao gồm cả nguồn lực tài chính, chuyên gia KHCN, nhân lực trình độ cao để giải quyết các vấn đề KHCN quy mô lớn, liên ngành, liên vùng… tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đồng thời cho rằng, cần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ như: sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê khoa học và công nghệ…; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN và ĐMST, nhất là trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Từ đó, tiếp nối và phát huy những kết quả đã đạt được, với sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tin tưởng rằng, trong thời gian tới hoạt động KHCN và ĐMST của từng địa phương trong vùng sẽ đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực cho các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương và cả vùng.