Đưa đất nước phát triển trên “đường ray” khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bài 2: Xây dựng cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học

- Thứ Ba, 06/06/2023, 06:37 - Chia sẻ

Một trong những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đó là từng bước dỡ bỏ rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học. Nội dung này những năm gần đây đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đề cập trong nhiều diễn đàn. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác này.

Chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu

Về tổng thể, hoạt động KH\CN là hoạt động thử nghiệm để tìm ra cái mới, cái hữu ích cho đời sống sản xuất và xã hội. Có những đề tài nghiên cứu chúng ta phải chấp nhận “bỏ ngăn kéo”, ví dụ như một số nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản luôn phải đi trước nghiên cứu ứng dụng, là tiền đề để chuẩn bị cho những nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, những nghiên cứu này chưa được ứng dụng trong một giai đoạn nhất định. Khi năng lực của xã hội đạt đến trình độ nhất định mới có thể ứng dụng được.

Trong nghiên cứu khoa học phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ nhất định
Trong nghiên cứu khoa học phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ nhất định

Thế giới phát minh về chất bán dẫn được nghiên cứu thành công ở Hoa Kỳ từ đầu những năm 1950 của thế kỷ trước nhưng trải qua gần một thập kỷ, cho đến khi doanh nghiệp của Nhật Bản mua lại bằng sáng chế đó vào cuối thập kỷ 50. Và cho đến ngày nay không có lĩnh vực nào của khoa học kỹ thuật mà không có mặt của chất bán dẫn.

Tại Việt Nam, cũng có thể kể đến rất nhiều câu chuyện. Cụ thể như hành trình lai tạo hạt gạo ngon nhất thế giới (gạo ST25) của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự. Công trình lúa thơm ST bắt đầu một cách tình cờ khi ông đi thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996, khi đó, ông Cua phát hiện những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp khi quan sát giống VD20.

GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp khẳng định KHCN nước ta đã có bước phát triển mạnh về tiềm lực, nhân lực cũng như kỹ nghệ quản trị. Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động KHCN có chuyển biến quan trọng với những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, hoạt động KHCN hoàn toàn xứng đáng được xã hội đánh giá cao.

Đồng quan điểm, GS.TS. Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu cho rằng, do đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học là quá trình tìm tòi và khám phá, thử nghiệm, nên đó là hoạt động có tính rủi ro. Do đó, để kết quả nghiên cứu đi từ phòng thí nghiệm ra thị trường, chúng ta phải vượt qua vùng trũng, tức là đáy của hình parabol ngược - đồ thị biểu diễn về chuỗi giá trị gia tăng của các giai đoạn phát triển một sản phẩm mới (chuỗi giá trị của sản phẩm). Theo nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1, TS. Đỗ Tuấn Đạt (Vabiotech), trong nghiên cứu khoa học phải chấp nhận có rủi ro và có độ trễ nhất định. Việc nghiên cứu về bản chất sẽ có thành công và thất bại. Không thể có nghiên cứu nào sẽ chắc chắn 100% thành công. Hơn nữa, với sự phát triển rất nhanh của khoa học ngày nay, việc thay đổi và áp dụng các công nghệ mới trong nghiên cứu đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng như phát triển vaccine mới sẽ trở nên ngày càng phổ biến; điều này có thể sẽ làm kéo dài thêm thời gian để hoàn thành các nghiên cứu đã có một số kết quả trước đó.

“Với việc nghiên cứu phát triển vaccine cũng giống như mọi loại nghiên cứu ứng dụng khác, đặc biệt là các nghiên cứu về thuốc hay dược phẩm, việc có độ trễ trong nghiên cứu là điều tất yếu xảy ra. Hơn nữa, vaccine là một sản phẩm sử dụng cho người trong một cộng đồng lớn chứ không phải chỉ là các cá thể riêng lẻ như đối với thuốc và dược phẩm, nên sẽ bị rất nhiều yếu tố chi phối đến từ bản chất của sản phẩm, công nghệ được áp dụng, quy mô sản xuất, các hiểu biết của nhà phát minh hay các quy định của cơ quan quản lý cũng như các kết quả khi tiến hành các giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật hay lâm sàng trên người”, TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết.

Quyết tâm đổi mới, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy, ứng dụng mạnh mẽ KHCN và ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030. Chiến lược xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp là sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN, các luật liên quan để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra; tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình/mô hình kinh tế mới dựa trên KHCN và ĐMST...

Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực KHCN và ĐMST; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động KHCN; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN; rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN...

Để cụ thể hóa các nội dung trong Chiến lược, việc cấu trúc lại các chương trình KHCN quốc gia, đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và nhiều chính sách khác đã và đang được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các cơ quan liên quan triển khai sẽ từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, góp phần đưa KHCN và ĐMST ngày càng đóng góp thiết thực hơn cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có việc sửa 5 thông tư gồm: thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN; thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN; thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN; thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN.

Tuy nhiên, hiện cũng còn nhiều những khó khăn, hạn chế và rào cản khiến KHCN và ĐMST chưa phát huy được hết tiềm năng để tạo ra nhiều thành tựu đột phá hơn nữa. Bài toán đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển KHCN và ĐMST trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay. Tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KHCN và ĐMST. Đặc biệt, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học. Tuy nhiên, việc này cũng cần cân nhắc, tính toán cụ thể để tránh tạo kẽ hở trong quản lý nhà nước về KHCN. 

Trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước đã nâng tầm vai trò của KHCN và ĐMST, cùng với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách và đầu tư đúng hướng cho KHCN và ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao; sự nỗ lực của ngành KHCN trong việc huy động mọi nguồn lực để phát triển KHCN và ĐMST; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, KHCN sẽ tạo nên những đột phá mới, góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trên “đường ray” KHCN và ĐMST.

HẠNH NGUYÊN