Cần điều chỉnh các quy định cho phù hợp với hội nhập
Việt Nam đã tham gia các Công ước về quyền con người như: Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em, Công ước về người khuyết tật.... Các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế như: Công ước số 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm, Công ước số 122 về Chính sách việc làm công, Công ước số 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật, Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước số 29 về cưỡng bức lao động hoặc bắt buộc, Khuyến nghị việc làm số 198...
Các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và các xu thế mới, bao gồm các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó có mục tiêu số 8 liên quan đến lĩnh vực việc làm; hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng và các thoả thuận về hợp tác quản lý lao động khu vực biên giới giữa địa phương Việt Nam với một số địa phương nước láng giềng ...
Cùng với đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện đang diễn ra nhanh và sâu rộng. Chỉ tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương và đang đàm phán 2 hiệp định khác. Theo đó, đòi hỏi phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, việc làm.
Trong khi, Việt Nam cũng là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN và duy trì tăng trưởng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Vấn đề này này cũng kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng nghề cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động. Do đó, cần điều chỉnh các quy định pháp luật để một mặt phù hợp với các Công ước, cam kết và thông lệ quốc tế, mặt khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, người sử dụng lao động Việt Nam.
Còn đó những tồn tại, hạn chế
Không chỉ để phù hợp với các Công ước, cam kết và thông lệ quốc tế mà trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đến nay cho thấy những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải sớm được điều chỉnh. Cụ thể nhất là Luật Việc làm hiện chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên dẫn đến quản lý lao động còn hạn chế; chưa có quy định về cơ sở dữ liệu về người lao động, nhất là lao động không có quan hệ lao động, từ đó để thực hiện việc quản lý một cách đồng bộ, thống nhất, tập trung và được cập nhật thường xuyên rất khó khăn. Trong khi, một số khái niệm, quy định chưa rõ ràng hoặc được nội luật hóa; một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng nghề chưa được quy định trong Luật.
Cùng với đó, các quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, là chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 05 nhóm đối tượng, thực tế thì một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung. Luật Việc làm cũng chưa có các quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp việc làm và tìm việc trong bối cảnh già hóa dân số, chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức và một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, ngoài việc chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề, báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc thì Luật Việc làm hiện hành cũng chưa có quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; chưa có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các bên, nhất là doanh nghiệp trong phát triển kỹ năng, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chưa có quy định về chế độ ưu tiên về tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm cho những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chưa có quy định về nguồn lực hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề cũng như đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm còn cho thấy do chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ dịch vụ việc làm đối với đội ngũ nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong các tổ chức dịch vụ việc làm, chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88; chưa có quy định về hoạt động giao dịch việc làm trên môi trường mạng; chưa có quy định về điều kiện hoạt động của các bộ phận, đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên trong cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; một số nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm chưa được quy định trong Luật nên cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng.
Về nội dung liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Luật Việc làm hiện vẫn chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Trong khi các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.