Sắp xếp tổ chức các hội quần chúng là một vấn đề mang tính cấp thiết nhưng đang gặp phải nhiều vướng mắc, "đụng chạm" cần được tháo gỡ. Một số bài viết sau đây, tác giả hy vọng sẽ góp thêm ý kiến từ góc nhìn của một người đang làm công tác hội và cũng đã từng làm công tác lãnh đạo, quản lý. |
Hội quần chúng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, là nơi triển khai và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, nơi kết nối khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng cộng sản Việt Nam. Trong những năm qua, với sự phát triển nhanh về số lượng và quy mô, các hội quần chúng đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của cả nước cũng như mỗi địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô các hội quần chúng đang bộc lộ nhiều bất cập.
![]() Hoạt động của các tổ chức hội quần chúng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương |
Ảnh: Lê Học |
Nhiều tồn tại, hạn chế
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ, số lượng các hội quần chúng (không tính Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo) đã tăng quá nhanh về số lượng, nhất là sau khi có Nghị định số 45/2010 của Chính phủ. Số hội phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh: Trước năm 1986 có 30 hội, đến 1990 có 100 hội, đến năm 2002 có 240 hộ, đến năm 2014 có 460 hội, đến năm 2019 có 530 hội. Số hội hoạt động trong phạm vi ở địa phương: Trước năm 1990 có 300 hội, đến năm 2002 có 1.450 hội, đến năm 2014 có 52.082 hội, đến 2019 có 69.961 hội. Trong đó, có 21.679 hội có tính chất đặc thù. Như vậy, cả nước đã có 70.490 hội, trong đó có 21.710 hội có tính chất đặc thù. Riêng sau khi có kết luận 102/2014 của Trung ương Đảng, tăng thêm 17.949 hội. Số lượng trên không bao gồm các hội không đăng ký hoạt động chính thức, như hội đồng môn, đồng ngũ, hội bạn chiến đấu... Về loại hình hội (theo công nhận của cơ quan có thẩm quyền) cũng rất đa dạng, gồm: Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội…
Số liệu trên cho thấy sự gia tăng quá nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình hội quần chúng, nhất là sau khi có Nghị định số 45/2010 của Chính phủ, theo đó có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho các hội có tính chất đặc thù. Việc xác định loại hình cũng không thống nhất, một số hội được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp thì lại "đòi hỏi" được quan tâm (cấp kinh phí, biên chế) như các tổ chức chính trị - xã hội trước đó (phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh...). Nhiều hội muốn được xếp vào nhóm hội có tính chất đặc thù để được giao biên chế và hỗ trợ kinh phí. Những hội cùng là hội có tính chất đặc thù thì sự hỗ trợ, chế độ thù lao người đứng đầu... cũng xảy ra bất cập.
Theo số liệu của Bộ Tài chính (trong dự thảo đề án), trong các năm từ 2014 - 2018, hàng năm đã cấp cho 28 hội có tính chất đặc thù ở Trung ương từ 600 đến trên 700 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các hội có tính chất đặc thù ở địa phương (21.679 hội), nếu chỉ tính trung bình thấp, bình quân 300 triệu/năm/hội thì ngân sách nhà nước cũng phải chi hỗ trợ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm. Chưa kể, việc bao cấp về trụ sở làm việc, chi cho biên chế được giao... Quan điểm và nguyên tắc phát triển hội quần chúng là tự nguyện, tự chủ, tự bảo đảm kinh phí, nhưng trên thực tế hầu hết các hội đều trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bao cấp quá nhiều, mang tính bình quân là một thực trạng hiện nay.
Cũng theo đánh giá trong dự thảo đề án của Bộ Nội vụ: Không ít hội chưa phát huy hết vai trò, chức năng của mình, hoạt động còn hình thức, hành chính hóa; chưa gắn hoạt động hội, chưa theo kịp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước; chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích thiết thực của tổ chức và hội viên; chưa phát huy tính tự chủ còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số hội không tuân thủ nguyên tắc "hoạt động không vì mục đích lợi nhuận"; còn có hội lợi dụng danh nghĩa tổ chức để vụ lợi, mưu cầu lợi ích cục bộ, cá nhân, làm phương hại đến lợi ích chung. Một số hội hoạt động trên phạm vi cả nước đòi hỏi địa phương tạo điều kiện để thành lập hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở, hoặc tự coi mình là cơ quan lãnh đạo cấp trên, chỉ đạo hoạt động của hội cấp dưới. Như vậy đã không còn đúng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ mà còn mang nặng tính hành chính trong hoạt động hội, không đúng với chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Cần những giải pháp cụ thể chấn chỉnh
Thực trạng trên do một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về hội nên chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, thiếu kiểm tra giám sát, thiếu đánh giá động viên hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động hội. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; hoặc có những quy định can thiệp quá sâu, quá cụ thể vào hoạt động hội đã làm mất đi tính chủ động, tự quản của hội; chưa làm rõ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hội, dẫn đến mỗi địa phương thực hiện một khác, thiếu thống nhất.
Sự hỗ trợ, bao cấp từ Nhà nước đối với hội nhiều, dàn trải, dẫn đến sự trông chờ, ỷ lại; việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước đối với sự đóng góp của hội thực tế rất khó định lượng, dẫn đến sự hỗ trợ chung chung, bình quân, thiếu công bằng giữa các hội trên cùng địa bàn. Một số hội đội ngũ lãnh đạo còn yếu, chậm thay đổi, thiếu chủ động sáng tạo, không thu hút được hội viên, trông chờ ỷ lại hội "cấp trên", ỷ lại sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước…
Từ thực trạng trên, một đòi hỏi đặt ra là cần những giải pháp cụ thể "chấn chỉnh" lại từ mô hình tổ chức, hình thức, nội dung hoạt động, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các hội quần chúng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW của Đảng về xắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cả những hội đang hoạt động và những hội sẽ thành lập mới.