Quốc đảo Nam Thái Bình Dương
Khởi hành từ Hà Nội vào sáng thứ 7, Đoàn ĐBQH Việt Nam gồm 3 đại biểu và một cán bộ của Vụ Đối ngoại, quá cảnh ở Hongkong và sau gần 10 giờ bay đêm, giữa mênh mông trời, biển, cuối cùng đã đến Fiji - quốc đảo Nam Thái Bình Dương, nằm ở phía Đông Bắc cách New Zealand 2.000km, để tham dự APPF 25. Fiji sớm hơn 5 giờ đồng hồ so với Hà Nội. Sau hành trình dài gần một ngày di chuyển, cả đoàn đều thấm mệt nhưng ai cũng hồi hộp, háo hức khi lần đầu tiên đến thăm, làm việc tại quốc đảo này. Đoàn được các cán bộ của Nghị viện Fiji chào đón nồng nhiệt ngay tại sảnh nhập cảnh.
Khác với trí tưởng tượng, quốc đảo Fiji khá rộng lớn giữa bốn bề đại dương. Quần thể với hơn 300 đảo, trong đó có hai đảo lớn nhất là Viti Levu và Vanua Levu, chiếm hơn 87% tổng diện tích của đảo quốc. Về tổng thể, diện tích của Fiji lớn hơn Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng gần 6 lần. Từ thành phố Nadi, nằm ở phía Nam, nơi tổ chức Diễn đàn APPF 25, đến Thủ đô Suva là gần 200 km. Với lượng dân số chưa đến 1 triệu người, quốc đảo còn rất nhiều đất đai màu mỡ để phát triển, nhất là ngành nông nghiệp. Trong số 12 quốc đảo ở châu Đại Dương như Palau, Papua New Guinea, Samoa, Micronesia… thì Fiji có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của quốc đảo đã là hơn 5.500 USD. Dù đã đi công tác ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi vẫn thấy Fiji có những nét quyến rũ riêng. Không khí trong lành. Đâu đâu cũng ngập tràn một màu xanh ngút ngàn của cây cối xứ sở nhiệt đới. Biển xanh, nước trong veo. Những bãi biển cát trắng trải dài. Đặc biệt, người dân rất thân thiện, mến khách. Chẳng thế mà, Fiji là điểm đến ưa thích của đông đảo du khách quốc tế như Australia, New Zealand, các nước châu Âu và Mỹ. Du lịch cùng với mía đường là những ngành kinh tế mũi nhọn của Fiji. Năm 2016, nước này đón hơn 750 nghìn lượt khách quốc tế, gần bằng dân số của quốc đảo. Bóng bầu dục là môn thể thao phổ biến nhất. Người dân nơi đây rất tự hào vì đội tuyển bóng bầu dục 7 người của họ đã đánh bại những tên tuổi lừng danh trong các đội tuyển bóng bầu dục của Ấn Độ, Anh, Australia… để giành Huy chương Vàng ở kỳ Thế vận hội mùa hè 2016 tại Rio de Janeiro, Brasil.
![]() Đoàn ĐBQH VN tham dự APPF 25 hội đàm với Đoàn ĐB Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng - Nghị viện Fiji |
Bài bản, chuyên nghiệp
Lần đầu tiên Diễn đàn APPF được tổ chức ở một nước thuộc châu Đại Dương và Fiji vinh dự đảm nhiệm vai trò này. Gần 200 nghị sĩ từ 19 nghị viện thành viên APPF và các khách mời đến Fiji đều có chung cảm nhận là mọi hoạt động của APPF 25 được tổ chức một cách bài bản, khá chuyên nghiệp.
Tất cả các hoạt động được tổ chức trong khuôn viên của quần thể khách sạn Intercontinental ở thành phố Nadi nên thuận tiện cho việc đi lại, bố trí ăn nghỉ và cả công tác lễ tân, bảo đảm an ninh cho hội nghị. Lễ khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH và tham dự của Thủ tướng Fiji, được tiến hành theo nghi lễ truyền thống Chào khách -“iTaukei” của người Fiji. Rất đặc sắc và linh thiêng. Điểm nổi bật của toàn bộ nghi lễ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ này là được tiến hành trong điều kiện im lặng gần như tuyệt đối - biểu hiện của sự tôn quý, trân trọng quan khách. Thủ tướng nước chủ nhà là khách mời chính chỉ nói đôi lời cảm ơn khi tiếp nhận các lễ vật; những người làm lễ phải ngồi thấp hơn so với khách mời để biểu thị sự tôn trọng. Các chàng trai Fiji khỏe mạnh, cởi trần, đóng khố cùng các cô gái trong những bộ váy rực rỡ dâng những sản vật truyền thống, trong đó có nghi thức dâng răng cá mập - biểu tượng cao nhất của sự no đủ, cho khách mời chính. Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và khách mời được mời uống nước kava - một loại nước truyền thống mài từ rễ cây thiêng có chất men, uống nhiều cũng gây cảm giác say say như bia vậy!
Vì một châu Á - Thái Bình Dương phát triển
Trong bối cảnh hòa bình, hợp tác tiếp tục là xu hướng chủ đạo nhưng tình hình thế giới và khu vực vẫn còn những biến động phức tạp với việc các nước lớn có sự điều chỉnh chính sách nội trị và đường lối đối ngoại, APPF 25 được nghị viện các nước trong khu vực đặc biệt quan tâm. Trung Quốc cử đoàn đại biểu do Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc (Phó Chủ tịch QH) làm Trưởng đoàn; Đoàn Nga có thành viên của Thượng viện và Hạ viện với sự tham gia của Phó Chủ tịch Hạ viện và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Thượng viện Nga. Nhiều Đoàn tham dự ở cấp Chủ tịch QH như Malaysia, Hàn Quốc…
Với chủ đề Đối tác nghị viện vì hòa bình và an ninh: Mục tiêu phát triển bền vững 16, chương trình Nghị sự của APPF 25 được chia thành 4 nhóm vấn đề lớn: Chính trị và An ninh; Kinh tế và Thương mại; Hợp tác khu vực và Công tác tổ chức của APPF. Ví dụ, trong lĩnh vực Chính trị - An ninh, Hội nghị tập trung bàn về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường hệ thống kiểm soát, giám sát biên giới chống buôn bán người và buôn bán ma túy; bảo đảm kế hoạch hiệu quả bao gồm việc giáo dục cho thế hệ lãnh đạo mới; hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế. Trong lĩnh vực Kinh tế và Thương mại, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; xóa đói giảm nghèo, phấn đấu đạt Chương trình nghị sự Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030; tăng cường an ninh lương thực và vai trò của truyền thông xã hội đối với sự tham gia của công dân. Nhiều tiếng nói của các nghị sĩ đến từ Mexico, New Zealand bày tỏ lo ngại về sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa và tự do thương mại…
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà, APPF 25 đã thông qua các nghị quyết và Thông cáo chung được các đoàn nhất trí ký vào văn kiện này phản ánh kết quả thành công của hội nghị.
Diễn đàn nghị viện APPF được thành lập chính thức vào năm 1993 với việc thông qua Tuyên bố Tokyo. Từ khi thành lập đến nay, APPF luôn kiên trì theo đuổi mục đích tăng cường sự hợp tác khu vực, với những trọng tâm như hợp tác để gìn giữ hòa bình, phát triển, tự do, dân chủ và thịnh vượng; mở rộng và không loại trừ bất cứ phương thức hợp tác nào nhằm tăng cường hơn nữa tự do thương mại, đầu tư và phát triển bền vững; không hợp tác quân sự, các hoạt động của diễn đàn chỉ nhằm phát huy ý tưởng vì hòa bình, an ninh, phát triển; và giữ gìn và thúc đẩy sự phát triển và giao lưu giữa các nền văn hóa của các dân tộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |