Đây là mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập đòi hỏi sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung…
Tiếp tục cụ thể hoá chính sách của Đảng
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Văn kiện cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cụ thể: “Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”, “Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động”.
Cùng với đó, Văn kiện khẳng định: “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết, đào tạo và giới thiệu việc làm; có cơ chế, chính sách định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động. Nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban chấp hành Trung ương Khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã đề ra các sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động”. “Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động”. "Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã hướng đến mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao; phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo tinh thần của Nghị quyết số 18- NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các chủ trương, đường lối trên của Đảng và Nhà nước là cơ sở cho việc cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Việc làm, nhất là các quy định nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ việc làm, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ...
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề liên quan tới việc làm, thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, cụ thể là Bộ luật Lao động 2019 tiếp tục quy định các vấn đề cốt lõi về lĩnh vực việc làm, bao gồm chính sách lao động, việc làm và giải quyết việc làm; quyền có việc làm của người lao động, quyền tuyển dụng của người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động, có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động; phát triển kỹ năng nghề. Đồng thời, Bộ luật cũng mở rộng đối tượng cho cả người lao động không có quan hệ lao động, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện Luật Việc làm liên quan các quy định về việc làm, nhất là đối với nhóm lao động phi chính thức, lao động là người cao tuổi, phát triển kỹ năng nghề...
Các Luật mới được sửa đổi, bổ sung như Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Thống kê (sửa đổi, bổ sung năm 2020)... trong đó có các quy định liên quan về các chính sách hỗ trợ việc làm, các vấn đề liên quan điều tra, khảo sát, thu thập, thống kê, các vấn đề liên quan cải cách thủ tục hành chính, ... cần được rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội năm 2023 - 2024, nhiều nội dung liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm hiện nay đang được trích dẫn theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Mặt khác, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bãi bỏ “mức lương cơ sở”. Tuy nhiên, trong Luật Việc làm có một số nội dung liên quan gắn với “mức lương cơ sở” như: tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.