Cần làm rõ tính khả thi của một số dự án

- Thứ Sáu, 13/11/2020, 08:49 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội Khóa XV, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách Thủ đô và Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thủ đô. Đây là những nghị quyết quan trọng, là tiền đề để Hà Nội hoàn thiện thủ tục triển khai các dự án trên địa bàn, phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được giao

Theo báo cáo của UBND thành phố, từ đầu năm đến nay, Hà Nội không thể đáp ứng yêu cầu tiến độ và không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Trong khi đó, một số dự án khác có khả năng đẩy nhanh tiến độ, có nhu cầu bổ sung vốn để thanh toán, một số dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định để có thể được bố trí vốn thực hiện và khởi công mới. Các dự án UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định điều chỉnh tăng, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2) tại kỳ họp này là những dự án cần thiết đầu tư để phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển KT - XH của thành phố.

Trước thực tế nêu trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cơ bản thống nhất với nguyên tắc, phương án điều chỉnh và phân bổ của UBND thành phố. Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ban KT - NS cho rằng cần làm rõ hơn tính khả thi, khả năng hấp thụ vốn của một số dự án bởi thời điểm này giải ngân rất thấp. Trong khi đó, một số dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài có tỷ lệ giải ngân khá tốt song vẫn đề xuất điều chỉnh giảm vốn. "Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát để bảo đảm chỉ đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án thực sự không có khả năng triển khai theo kế hoạch đã giao, không để các chủ đầu tư vì thành tích số liệu báo cao giải ngân cao mà không quyết liệt triển khai nhiệm vụ" - Trưởng ban KT - NS nhấn mạnh.

Đáng chú ý, qua khảo sát của các Ban HĐND thành phố về tình hình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy một số công trình cần phải đánh giá, xem xét lại hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, còn khá nhiều dự án đề có trong kế hoạch hỗ trợ 5 năm của thành phố cho các huyện vùng đồng bào dân tộc miền núi chưa được bố trí vốn. "Vì những lý do trên, Ban KT - NS đề nghị thành phố sớm rà soát, làm rõ nguyên tắc, tiêu chí của việc bố trí tăng hỗ trợ ngân sách thành phố cho các huyện và tiêu chí lựa chọn các dự án đề xuất bổ sung vào danh mục, bố trí vốn hỗ trợ và hiệu quả đầu tư, tranh bố trí dàn trải, chưa thực sự cấp thiết" - Ban KT - NS kiến nghị.

Việc thông Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô  

Ảnh: P.Long

Điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công

Liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư từ ngân sách cấp huyện. Đây đều là những dự án thuộc lĩnh vực thiết yếu, như hạ tầng giao thông trong nội đô, phục vụ nhu cầu dân sinh góp phần chống ùn tắc giao thông; cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc nhằm bảo đảm điều kiện làm việc và góp phần thực hiện cải cách hành chính; cải thiện điều kiện vật chất trường lớp đạt chuẩn quốc gia...

Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 11 dự án nêu trên, Ban KT - NS HĐND thành phố cho rằng chỉ có 6 dự án thuộc thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư của HĐND thành phố. Cụ thể, 6 dự án gồm: Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đan Phượng và Thường Tín; cải tạo, nâng cấp trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân); chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm); xây dựng tuyến đường 17,5m (mở rộng đường Trần Quốc Vượng) và đường nối từ Trần Quốc Vượng đến ngõ 86 Duy Tân (quận Cầu Giấy); cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu T0-5-2 (huyện Đan Phượng).

Riêng đối với 5 dự án đường giao thông có mặt cắt lớn hơn 16m2 trên địa bàn các huyện theo tờ trình của UBND thành phố, qua thẩm tra, Ban KT - NS chỉ rõ các tuyến đường trên chỉ thuộc địa bàn một huyện và triển khai trên địa bàn các xã, không phải đường đô thị, do đó, trách nhiệm đầu tư và quản lý các tuyến đường này thuộc về các huyện. "Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2009 và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với 5 dự án đường giao thông có mặt cắt lớn hơn 16m trên địa bàn các huyện là của HĐND cấp huyện" - bà Hồ Vân Nga nhấn mạnh.

PHI LONG