5 chương trình mới được công bố trong Tuyên bố chung ngày 7.6 sau Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN lần thứ 20 (AMMSTI-20), được tổ chức tại Siem Reap với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Hành trình tới tương lai”. Đây là chủ đề được nhất trí thông qua tại cuộc họp lần thứ 85 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (COSTI-85) và các cuộc họp liên quan, diễn ra từ ngày 3 đến 7.6 tại Siem Reap, được trình lên các Bộ trưởng Khoa học ASEAN phê duyệt.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Campuchia Hem Vanndy cho biết, 5 hoạt động này bao gồm tư vấn về AI tạo sinh; hội thảo ASEAN về sử dụng AI để trung hòa carbon và nền kinh tế xanh; cạnh tranh về các mô hình kinh doanh mới và phát triển AI giữa Hàn Quốc và ASEAN, hội tụ và mã hóa AI Hàn Quốc-ASEAN cũng như các sáng kiến AI để phát triển bền vững.
Ông nói: “Thông qua hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới, cũng như AI, chúng tôi hy vọng rằng những sáng kiến này sẽ mang lại động lực tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển của tất cả các quốc gia thành viên”.
Theo ông Vanndy, các hoạt động của COSTI kéo dài một tuần và các cuộc họp liên quan tập trung vào tiềm năng của AI, những tác động tiêu cực của nó và những cân nhắc về mặt đạo đức, để loại hình công nghệ mới này sẽ trở thành một mạng lưới tích cực và mang lại lợi ích cho nhân loại.
Ngoài ra, Tuyên bố chung của Hội nghị cũng khẳng định tiềm năng ứng dụng đáng kể của AI là động lực chính đối với sự tiến bộ và đổi mới lĩnh vực công nghệ, đồng thời xác định nhu cầu phối hợp hành động và hợp tác để khai thác lợi ích của AI, cũng như chủ động giải quyết các tác động xã hội, kinh tế và đạo đức liên quan. Hội nghị lưu ý rằng AI sẽ có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, có khả năng giúp tăng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ 10 - 18%, tương đương trị giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2030”.
Nhân dịp này, một nhóm công tác đã được thành lập trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao về kỹ thuật số ASEAN về quản trị AI, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan quản trị AI, bao gồm quản lý AI tạo sinh và thúc đẩy việc sử dụng AI một cách an toàn, có trách nhiệm và có đạo đức.
Ngoài ra, hội nghị cũng hoan nghênh việc ra mắt Ủy ban ASEAN về các lộ trình khoa học, công nghệ và đổi mới về AI trong giai đoạn 2024 - 2025, nhằm mở rộng các sáng kiến phát triển năng lực khu vực về AI.
Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI, bao gồm các trung tâm dữ liệu, tài nguyên máy tính và kết nối, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ và triển khai các ứng dụng và dịch vụ AI có trách nhiệm trên toàn ASEAN.
Hội nghị khuyến khích các nỗ lực hợp tác nhằm thiết lập các sáng kiến và nền tảng cơ sở hạ tầng AI trong khu vực, nhằm tạo điều kiện trao đổi kiến thức, chia sẻ dữ liệu, chuyển giao công nghệ và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và doanh nhân.
Theo tuyên bố chung, đại diện các nước ASEAN đã nêu bật nhu cầu thiết yếu về các khuôn khổ và cơ chế quản trị dữ liệu mạnh mẽ để bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật và tính toàn vẹn của dữ liệu, đồng thời thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, khả năng tương tác và đổi mới trong các ứng dụng AI.
Bộ trưởng Campuchia Hem Vanndy cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN cam kết chia sẻ thông tin về những phát hiện liên quan đến AI của họ, bao gồm các chuyến thăm trao đổi của các chuyên gia và các vấn đề công bằng. Vanndy cho biết: “Khi nói đến hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, các thành viên ASEAN đã nhấn mạnh rằng sẽ không có quốc gia thành viên nào bị bỏ lại phía sau”. “Như Thủ tướng Hun Manet đã nói sáng nay khi thảo luận về AI lấy con người làm trung tâm, chúng ta không được để công nghệ quyết định vận mệnh của mình; con người phải quyết định vận mệnh của mình với sự trợ giúp của công nghệ”, ông nói. Ông nói thêm rằng, các nước thành viên ASEAN sẽ bắt tay vào nỗ lực giáo dục công dân của họ thích ứng với AI và hưởng lợi từ nó.