![]() | |
Bắc Kinh chuẩn bị đăng cai APEC lần thứ 25 năm 2014 | Nguồn: China Daily |
Từ 12 nước sáng lập, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia và Malaysia, sau 4 lần mở rộng thành viên vào các năm 1991, 1993, 1994 và 1998, đến nay APEC có 21 thành viên, trong đó hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất châu Á - Thái Bình Dương, đại diện khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 55% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 44% thương mại toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khu vực như: Ấn Độ, Pakistan, Mông Cổ, Campuchia, Lào… muốn tham gia diễn đàn, tuy nhiên, từ năm 1998, APEC chủ trương tạm ngừng kết nạp thành viên mới.
Mục tiêu của hợp tác APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư đối với các thành viên phát triển vào năm 2010 và các thành viên đang phát triển vào năm 2020. Bên cạnh đó, APEC đẩy mạnh hợp tác nhằm hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
Trong một phần tư thế kỷ tồn tại và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất ở châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới; đi đầu thúc đẩy kết nối, hội nhập kinh tế khu vực thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và cải thiện môi trường kinh doanh.
Từ năm 1989 đến năm 2012, GDP của khu vực tăng từ 15.700 tỷ USD lên 30.300 tỷ USD và GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần, từ 1.700 tỷ USD năm 1989 lên 11.500 tỷ USD năm 2014. Để duy trì vai trò và vị thế APEC, các nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Sau 20 năm thực hiện các Mục tiêu Bogor, APEC đã đạt những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư. Thuận lợi hóa kinh doanh ngày càng được đẩy mạnh và hiện là giải pháp hiệu quả để phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Tính đến tháng 4 vừa qua đã có 55 hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký kết trong APEC.
APEC là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường - vấn đề mà Tổ chức Thương mại thế giới thúc đẩy hơn một thập niên qua, với 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào năm 2015. APEC cũng đặt mục tiêu nâng cao 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực vào năm 2015, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015; thúc đẩy các biện pháp thương mại đầu tư “thế hệ mới” như tăng trưởng sáng tạo, chuỗi cung ứng đáng tin cậy…
Trong hơn một thập kỷ đầu thế kỷ XXI, với sự thúc đẩy của các thành viên phát triển, xu hướng mới trong liên kết APEC là mức độ cam kết cao hơn và ràng buộc hơn, mở rộng sang những vấn đề thương mại - đầu tư thế hệ mới và gắn kết với ứng phó các thách thức toàn cầu (thay vì chủ yếu tập trung vào 3 trụ cột về tự do hóa thương mại - đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật). Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống thương mại đa phương trì trệ, nhu cầu mới về không gian phát triển của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, duy trì vai trò đầu tàu của khu vực trong phục hồi kinh tế và liên kết toàn cầu. Theo đó, APEC tập trung đưa liên kết đi vào chiều sâu và tiến hành cải cách.
Đối với Việt Nam, APEC tiếp tục có vai trò quan trọng trong quá trình triển khai đường lối tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và phát triển quan hệ với các đối tác tại khu vực.
Việc tham gia APEC năm 1998 đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. APEC là diễn đàn hội tụ hầu hết các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của Việt Nam, trong đó có 7 đối tác chiến lược (gồm: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore) và 5 đối tác đoàn diện (Mỹ, Australia, New Zealand, Malaysia, Chile).
Trong 16 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC, đặc biệt là việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006. Là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực…); đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC, Việt Nam đã quyết định và được các thành viên APEC hoàn toàn ủng hộ việc lần thứ hai đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017.