Ngày 13.11, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo, các nhà đàm phán Anh và EU đã nhất trí về dự thảo thỏa thuận Brexit gồm 500 trang. Đây được coi là đột phá trong đàm phán Brexit, nhằm tránh kịch bản tồi nhất là Anh rời EU vào tháng 3.2019 mà không có thỏa thuận nào. Một quan chức cấp cao giấu tên của EU cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết, các nhà lãnh đạo EU có thể nhóm họp vào ngày 25.11 nhằm ký kết thỏa thuận Brexit, nếu Nội các của bà May phê chuẩn dự thảo này. Nếu được Chính phủ Anh thông qua, dự thảo thỏa thuận cũng sẽ được trình lên Nghị viện Anh để phê chuẩn, chậm nhất là trước cuối năm nay.
Sau thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, các đảng đối lập và những ý kiến phản đối Brexit trong đảng Bảo thủ của bà May lập tức phản ứng mạnh mẽ trước thông tin trên, đồng thời cáo buộc Thủ tướng Anh “đầu hàng” trước EU. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho biết, sẽ phải xem xét kỹ lưỡng chi tiết của dự thảo thỏa thuận Brexit, đồng thời ngỏ ý rằng, thỏa thuận này nhiều khả năng không có lợi cho Vương quốc Anh. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người ủng hộ đường lối Brexit cứng rắn, chỉ trích thỏa thuận Brexit đi chệch hướng quá nhiều, mặc dù vẫn thừa nhận chưa đọc chi tiết dự thảo thỏa thuận.
Trước đó, trong phiên họp nhằm thông báo tình hình Brexit cho Ngoại trưởng các nước thành viên EU, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier nêu rõ, đây đang là thời điểm “đặc biệt nhạy cảm” với Brexit và bất cứ phát ngôn nào cũng có thể khiến tình thế thay đổi. Nhiều nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho hay, những ngày qua, EU và Anh đã tiến đến những bước cuối cùng để thống nhất về một dự thảo thỏa thuận Brexit, sau khi hai bên đạt được những bước tiến đáng kể trong vấn đề về đường biên giới Bắc Ireland.
EU và Anh cần đạt thỏa thuận Brexit trước tháng 3 năm sau, nhằm bảo đảm hoạt động thương mại giữa hai bên vẫn diễn ra suôn sẻ sau khi Anh ra khỏi tổ chức, trong bối cảnh EU là khối thương mại lớn nhất toàn cầu và Anh được coi là trung tâm tài chính thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền của bà May gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất dự thảo thỏa thuận về Brexit với EU, nhằm giải quyết dứt điểm mọi nhùng nhằng giữa hai bên sau gần 46 năm Anh gia nhập khối này. Nhằm tìm kiếm thỏa thuận với EU và né tránh kịch bản Brexit “cứng”, chính quyền của Thủ tướng Anh đã đưa ra đề xuất thỏa thuận Brexit được cho là nhượng bộ khá nhiều với EU. Đề xuất này vấp phải phản đối gay gắt của không ít thành viên Nội các cũng như những người phản đối Brexit ở Anh.
Một trong những vấn đề nan giải nhất trong quá trình đàm phán liên quan đến đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland, thuộc EU, và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh. Theo hãng tin Reuters, ít nhất ba nguồn tin EU cho biết, điều khoản ngăn chặn việc thiết lập đường biên giới cứng ở Bắc Ireland sẽ được thể hiện dưới hình thức các thỏa thuận về thuế quan trên toàn Vương quốc Anh. Trong đó, một số điều khoản cụ thể dành riêng cho Bắc Ireland sẽ đề cập chi tiết vào các vấn đề thuế quan và căn chỉnh cho phù hợp với các quy định của thị trường đơn nhất EU.