Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sỹ Lâm, do đặc thù là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có nhiều sông, kênh, rạch, nên tỉnh có địa hình tương đối cao hơn một số tỉnh trong vùng; địa chất yếu, thiếu hụt nguồn phù sa, sự gia tăng của lưu tốc dòng chảy, hạ thấp lòng dẫn và hạ thấp mực nước…

Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh có 56 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở từ đặc biệt nguy hiểm đến nguy hiểm, có khả năng gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân; trong đó, có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp.
Trong năm 2022, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 68 điểm sạt lở, sụt lún và rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 3.279m ảnh hưởng đến 40 căn nhà, tăng hơn 25 điểm so với năm 2021.
Giám đốc Nguyễn Sỹ Lâm cho biết, hàng năm ngành nông nghiệp và tài nguyên -môi trường đều phối hợp tổ chức triển khai quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm và đo đạc, phối hợp, hỗ trợ địa phương khảo sát, báo cáo sạt lở đột xuất tại 20 điểm trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cảnh báo kịp thời cho địa phương và nhân dân trong vùng được biết.
“Trên cơ sở kết quả quan trắc cảnh báo sạt lở, tỉnh đã thực hiện cắm mốc trên thực địa, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở (khu vực nguy hiểm và khu vực an toàn) cho các đoạn được cảnh báo. Đồng thời, tất cả các đoạn cảnh báo sạt lở và thông số cảnh báo của 56 đoạn này được thể hiện trên website https://satlo.angiang.gov.vn để các ngành, địa phương và người dân biết chủ động cộng tác phòng, tránh,” ông Lâm nhấn mạnh.
Được biết, tính đến hết tháng 3.2023, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức cắm xong 186 biển cảnh báo sạt lở tại các khu vực sạt lở, để tuyên truyền và cảnh báo người dân trong vùng phòng tránh.