Tháng 9 là một tháng quan trọng trong nhật ký ngoại giao của Ấn Độ. Sau chuyến viếng thăm Nhật Bản thành công vào đầu tháng, Thủ tướng Narendra Modi đón Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình vào trung tuần tháng này và dự định sau đó sẽ tới Mỹ. Chuyến thăm Nhật Bản của ông Modi bắt đầu từ thành phố Kyoto của Nhật Bản, được cho là động thái mang tính tinh thần mà tiếp theo đó sẽ là các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo New Dehli tới Australia, Việt Nam và Mỹ, các quốc gia nằm ven Thái Bình Dương. Tổng hợp các điểm đến, giới phân tích cho rằng chính quyền mới tại Ấn Độ đang thăm dò tình hình châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như cách Trung Quốc và Nhật Bản triển khai đối sách ngoại giao của mình trong thời gian vừa qua khi tìm đến các đối tác ở xa trong khi thận trọng và có phần cứng rắn với các đối tác liền kề nhưng có xung đột lợi ích về chủ quyền lãnh thổ.
Chính sách viễn giao của New Delhi thể hiện qua chuyến thăm Tokyo mới đây. Tại các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã tuyên bố: “Cả thế giới đều biết rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á. Tuy nhiên, mô hình cũng như nét đặc trưng của nó vẫn chưa rõ ràng. Điều này sẽ được quyết định bởi cách thức mà Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác với nhau. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển lên một tầm cao mới”.
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Nhật Bản |
Nguồn: DW |
Cuối tháng này, Thủ tướng Modi cũng thực hiện chuyến thăm Mỹ nhằm hâm nóng mối quan hệ Mỹ - Ấn bị lạnh giá dưới chính quyền tiền nhiệm Manmohan Singh. Rõ ràng, vành đai Nhật - Mỹ - Australia - Ấn giờ đây đang ngày càng siết chặt, hình thành nên chuỗi kim cương an ninh ở châu Á mà Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng trong diễn văn bằng tiếng Anh khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Trong khi đó, các biểu hiện của chính sách cận công không phải là không rõ nét. Trong bài phát biểu ở Tokyo, mặc dù không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, song người ta có thể hiểu rằng ông đang ngầm ám chỉ đến những động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh thời gian gần đây: “Hiện tồn tại những cách suy nghĩ và hành động từ thế kỷ XVIII khi một nước này tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm đất của nước kia và vươn ra các vùng biển. Nếu châu Á trở thành nhà lãnh đạo trong thế kỷ XXI thì Nhật Bản và Ấn Độ nên đảm nhận vai trò này” và thúc đẩy một con đường phát triển hòa bình. Bên cạnh đó, New Delhi cũng đưa ra lời mời Thủ tướng lưu vong của Tây Tạng Lobsang Sangay sang Ấn Độ và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thực hiện chuyến thăm Việt Nam.
Những bước đi này phản ánh một tầm nhìn thức thời của ban lãnh đạo mới tại New Delhi trong một môi trường an ninh Nam Á vẫn ẩn chứa những nguy cơ gây bất ổn như khủng bố, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Thêm vào đó, Afghanistan đang đối mặt với một tương lai mờ mịt sau năm 2014, khi NATO rút quân. Những hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật quốc tế khiến Ấn Độ khó có thể làm ngơ, đặc biệt khi giữa New Delhi và Bắc Kinh hiện cũng tồn tại tranh chấp lãnh thổ. Vì thế, mặc dù cam kết sẽ không điều chỉnh nhiều về chiến lược, nhưng tình hình thực tế đã buộc Thủ tướng Modi phải có những bước đi sát thực nhất về mặt chiến thuật nhằm vượt qua thách thức trong chính sách đối ngoại. Giải pháp ngoại giao lúc này là mở rộng bang giao với các nước trên thế giới và thận trọng hơn với các đối thủ liền kề.