Khi Scotland muốn độc lập
Scotland là một trong 4 quốc gia cấu thành của UK cùng với Anh, xứ Wales và Bắc Ireland. Nước này chiếm 1/3 phía Bắc của đảo Anh, phía Nam giáp xứ Anh, phía Đông giáp Bắc Hải, phía Tây Bắc Đại Tây Dương, phía Tây Nam Biển Ireland và Kênh Bắc Anh. Ngoài vùng đất chính trên đảo Anh, Scotland còn thêm 790 hòn đảo. Hải phận của Scotland gồm Bắc Hải và Bắc Đại Tây Dương, với nhiều mỏ dầu nhất Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ thời tiền Trung Cổ, Vương quốc Scotland vốn là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, ngày 1.5.1707, sự độc lập này đã không còn khi Đạo luật Thống nhất ra đời và hình thành nên một liên hiệp chính trị giữa Vương quốc Scotland và Vương quốc Anh. Sau đó, Liên hiệp Vương quốc Anh và Ireland (gồm England, Wales, Scotland và Ireland) đã ra đời vào năm 1801. Tuy nhiên, đến năm 1922, Nam Ireland tách ra và trở thành một nước cộng hòa độc lập với tên gọi Cộng hòa Ireland vào năm 1949. Do vậy, Liên hiệp Vương quốc Anh và Ireland trở thành Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK).

Sau khi gia nhập UK, Scotland không còn là một quốc gia có chủ quyền và không được quyền gia nhập trực tiếp vào LHQ hoặc EU cho dù vẫn có Chính phủ và Quốc hội riêng. Mặc dù vậy, hệ thống pháp lý của Scotland vẫn khác biệt với hệ thống pháp lý của ba nước còn lại trong UK.
Sau hơn 300 năm kể từ ngày Scotland tham gia liên minh chính trị với Vương quốc Anh, vào cuối tháng 3.2013, ông Alex Salmond, Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland (là nhà lãnh đạo chính trị và là người đứng đầu Chính phủ Scotland), thông báo Scotland sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc nước này có nên trở thành quốc gia độc lập hay không vào ngày 18.9.2014. Phát biểu trước Quốc hội Scotland ở Edinburgh, Bộ trưởng Salmond khẳng định đó sẽ là “một ngày lịch sử khi người dân Scotland quyết định tương lai của nước này”.
Thông báo trên được ông Salmond đưa ra sau khi Chính phủ Scotland đệ trình dự luật tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này lên Quốc hội hôm 21.3. Nhiều khả năng dự luật đó sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay bởi vì, Đảng Dân tộc Scotland (SNP) - chính đảng ủng hộ việc nước này trở thành một quốc gia độc lập - đang chiếm đa số ghế tại cơ quan lập pháp này.
Người Anh bắt đầu lo sợ
Bình luận về quyết định trên của Chính phủ Scotland, Bộ trưởng Ngoại giao UK Michael Moore nói: “Tôi tự tin rằng khi người dân Scotland đi bỏ phiếu, họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc nước này vẫn tiếp tục ở lại trong gia đình UK hùng mạnh và an toàn”.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người Anh nào cũng lạc quan đến vậy. Trong báo cáo mới nhất của mình, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh (FAC) cho rằng việc Scotland trở thành một quốc gia độc lập sẽ hủy hoại uy tín quốc tế của UK. FAC nhấn mạnh rất khó có thể đo lường các tác động của việc Scotland ly khai khỏi UK đối với vị thế và ảnh hưởng quốc tế của phần còn lại của UK nhưng chắc chắn, “việc uy tín của phần lại UK bị tổn hại ở một mức độ nào đó là không tránh khỏi”.
Theo FAC, ảnh hưởng của UK trong Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ giảm và mối quan hệ đặc biệt với Mỹ có thể sẽ bị tổn hại. Bên cạnh đó, nếu Scotland trở thành một nước độc lập, điều này sẽ gây ra sự rối loạn ở phần còn lại của UK.
Mặt khác, FAC cũng lo ngại về chính sách ngoại giao mới của Scotland nếu nước này trở thành một quốc gia độc lập, nhất là tác động của việc Đảng dân tộc Scotland cầm quyền cam kết biến Scotland trở thành một nước phi hạt nhân.
Vì vậy, FAC đã kêu gọi Chính phủ cân nhắc nhiều hơn về việc liệu nước này sẽ làm gì nếu người dân Scotland trả lời “Có” trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm tới.
Ai được, ai mất?
Trên thực tế, những lo ngại của FAC không phải không có cơ sở. Nếu Scotland ly khai khỏi UK, chắc chắn sức mạnh và uy tín của một UK không có Scotland trên trường quốc tế sẽ bị suy giảm đáng kể. Bên cạnh đó, động thái này có thể châm ngòi cho làn sóng đòi độc lập của xứ Wales hay Bắc Ireland và gây ra tình trạng bất ổn ở UK.
Tuy nhiên, không chỉ có phần còn lại của UK bị tổn tại. Bản thân Scotland cũng phải trả giá nếu người dân nước này quyết định ly khai khỏi UK. Cái giá mà Scotland phải trả bao gồm những lợi ích của việc là một thành viên trong một liên minh chính trị đầy sức mạnh như UK như vị thế quốc tế của một nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, sự bảo đảm an ninh hay sức cạnh tranh của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa).
Bên cạnh đó, để một Scotland độc lập có thể có chỗ đứng trên trường quốc tế, Chính phủ Scotland sẽ đối mặt với vô vàn thách thức. Chẳng hạn, về mặt pháp lý, theo các chuyên gia phân tích, một Scotland độc lập sẽ phải thương lượng lại hơn 14.000 hiệp ước quốc tế, trong đó có các hiệp ước về mối quan hệ giữa Scotland với EU. Đây sẽ là một công việc khó khăn và lâu dài, nhất là nếu phần còn lại của UK ngăn cản Scotland gia nhập các tổ chức quốc tế.
Đối với vấn đề tư cách thành viên EU, Bộ trưởng Salmond cho rằng một Scotland độc lập không cần phải xin gia nhập EU một lần nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso lại tuyên bố “do sự độc lập của mình, một nhà nước độc lập mới sẽ trở thành một nước thứ ba trong mối quan hệ với EU và các hiệp ước của EU sẽ không còn áp dụng với vùng lãnh thổ này”.
Bất chấp những thách thức lớn như vậy, vẫn có một bộ phận người Scotland muốn ly khai khỏi UK. Đối với họ, có lẽ lý do đầu tiên và quan trọng nhất là nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ ở Biển Bắc ngoài khơi Scotland. Kết quả phân tích của Chính phủ Scotland cho thấy năm 2010, Scotland chiếm 64% tổng sản lượng dầu mỏ của cả EU. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2018, dầu khí sẽ đóng góp 87 tỷ USD tiền thuế cho Scotland.
Trong báo cáo gần đây, một ủy ban của Thượng viện UK cho rằng “quyết định mà người Scotland sẽ phải đưa ra không phải là một quyết định đơn giản. Nó sẽ có các tác động sâu rộng về mặt lập pháp, chính trị, xã hội cũng như kinh tế”. Vì vậy, chắc chắn mỗi người Scotland sẽ phải suy tính kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.