Công tác đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu thực tiễn tại địa phương

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 09:02 - Chia sẻ
Qua giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn Thủ đô từ năm 2016 đến nay, Thường trực HĐND thành phố cho rằng việc định hướng, tư vấn cho người lao động chọn nghề chưa sát với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Định hướng, tư vấn cho người lao động chọn nghề còn hạn chế

Theo đánh giá của đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố: Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ đã được các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cơ bản đã đáp ứng với yêu cầu đào tạo nghề cho LĐNT với 370 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và từ năm 2016 đến nay; công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã được thực hiện hàng năm theo kế hoạch bảo đảm đúng đối tượng, đúng nội dung, hình thức và thời gian phù hợp... Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2019, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 76.203 lao động/100.737 lao động đăng ký đào tạo; tỷ lệ lao động sau khi học nghề xong có việc làm đạt 89,61%... Đặc biệt, Thường trực HĐND thành phố cho rằng việc triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TT trên địa bàn Thủ đô những năm qua đã góp phần tích cực nhằm nâng cao chất lượng LĐNT, hỗ trợ giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, đặc biệt là lao động ở các làng thuần nông, làng nghề, lao động thuộc diện hộ nghèo...

"Kết quả đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từng bước giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động dịch vụ, công nghiệp; thu hút được nguồn lực của xã hội vào việc dạy nghề và giải quyết việc làm. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; an ninh chính trị tại các địa phương được ổn định, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo, tăng thu nhập cho LĐNT" - Phó Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT. Theo đó, công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn cho người lao động chọn nghề và tham gia học nghề còn hạn chế, chưa sát với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, việc rà soát, bổ sung danh mục các nghề đào tạo cho LĐNT chưa thường xuyên, kịp thời; công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát thực tế; hoạt động kiểm tra, giám sát việc tổ chức lớp học nghề của một số quận, huyện chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao...

Từ năm 2016 đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận  

Ảnh: P.Long 

Sớm ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên nhân dẫn tới những tồn tại nêu trên một phần do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát. Trong khi đó, cán bộ theo dõi công tác đào tạo nghề cấp huyện phần lớn còn kiêm nhiệm, vì vậy chưa sâu sát trong công tác đào tạo nghề, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện và đánh giá hiệu quả sau đào tạo; trình độ đào tạo nghề sơ cấp đối với một số nghề phi nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp...

"Đặc biệt, có một thực tế hiện nay đó là việc đăng ký học nghề của LĐNT còn mang tính phong trào, chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Bản thân người lao động cũng chưa thực sự có trách nhiệm khi tham gia học nghề; có không ít trường hợp đăng ký học nhưng lại không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quy định của lớp học, đơn vị đào tạo" - bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, HĐND thành phố sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn tiếp theo nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó, cần điều chỉnh một số nội dung như: Điều chỉnh tuổi tham gia học nghề theo Bộ luật Lao động sửa đổi; nâng mức hỗ trợ tối thiểu cho LĐNT tham gia học nghề...

Vế phía UBND thành phố, cần chỉ đạo rà soát quy hoạch mạng lưới trường nghề, sớm phê duyệt, thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố. Đồng thời, cần chỉ đạo công tác đào tạo nghề gắn với quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo... Ngoài ra, Hà Nội phải sớm chỉ đạo rà soát, nghiên cứu chính sách mới đối với người học nghề và các chính sách khác có liên quan để bảo đảm phù hợp với thực tế.

PHI LONG