“Một sai lầm không đáng có”
Trong vụ việc gây chấn động này, tiền lương hàng tháng của Tổng thống tăng từ mức hơn 4 triệu peso, tương đương 4.700 USD theo tỷ giá chính thức của Argentina trong tháng 1 lên mức hơn 6 triệu peso, tương đương gần 7.073 USD, vào tháng 2. Như vậy, lương của Tổng thống đã tăng 48%.
Trước những chỉ trích từ phía các nghị sĩ phe đối lập liên quan đến thông tin này, Tổng thống Milei đã tuyên bố sa thải Bộ trưởng Bộ Lao động Omar Yasin trong một cuộc trả lời phỏng vấn phát trên sóng truyền hình. Phát biểu trong buổi phỏng vấn, ông nói rằng việc tăng lương cho bản thân ông và các quan chức chính phủ khác là “một sai lầm không đáng có”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Yasin có phải là người có vai trò giám sát vụ tăng lương hay không.
Sau khi sa thải Bộ trưởng Bộ Lao động, ông Milei đã yêu cầu điều chỉnh lương của ông và các thành viên nội các về mức cũ. Giải thích về quyết định này, nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do, người thường được so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết việc tăng lương đã được điều chỉnh tự động theo bởi một sắc lệnh do cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner ký 14 năm trước, theo đó, lương công chức sẽ tự động tăng theo lạm phát. Tốc độ lạm phát ở Argentina hiện nay là 250%/năm.
“Tôi vừa được thông báo rằng, chiếu một nghị định do cựu Tổng thống Cristina Kirchner đã ký vào năm 2010, theo đó, các quan chức chính trị được trả lương nhiều tiền hơn nhân viên hành chính công, nên đội ngũ nhân viên của chính phủ đã tự động được tăng lương”, ông Milei cho biết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đối lập cho biết chữ ký của chính tổng thống đã được sử dụng trong sắc lệnh hồi tháng 2 cho phép tăng lương. Bản thân cựu Tổng thống Fernandez de Kirchner, thuộc đảng đối lập, cũng cho rằng sắc lệnh mà bà ký năm 2010 “không liên quan gì” đến bê bối tiền lương của chính phủ hiện tại.
Uy tín lung lay
Giới phân tích cho rằng sự việc này có thể gây tổn hại đến uy tín của ông Milei - người đắc cử tổng thống vào tháng 11.2023 với cam kết kép gồm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Argentina trong hai thập kỷ và loại bỏ các đặc quyền dành cho giới tinh hoa chính trị mà ông đổ lỗi chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng này.
Vụ bê bối tiền lương xảy ra ngay sau khi ông Milei thất bại trong việc thúc đẩy Quốc hội, nơi phe của ông chỉ chiếm thiểu số, thông qua một dự luật cải cách kinh tế toàn diện. Mặc dù không nắm đa số trong Quốc hội, song ông Milei đã nhiều lần nói rằng ông sẽ dựa vào sự ủng hộ của người dân để gây áp lực đòi các nghị sỹ ủng hộ việc mạnh tay cắt giảm chi tiêu và nới lỏng các quy định giám sát.
Ông Cristian Buttie, Giám đốc công ty thăm dò ý kiến CB Consultora, nhận định: “Chính phủ Argentina không nên có một sai lầm như thế này. Điều này làm suy yếu sự ủng hộ đối với nỗ lực thắt lưng buộc bụng”. Ông Buttie nói thêm rằng các cuộc thăm dò vào cuối tuần vừa rồi cho thấy có sự suy giảm nhẹ trong tỷ lệ người Argentina có cái nhìn tích cực về ông Milei so với hồi tháng 2.
“Một vòng xoáy suy giảm hình ảnh sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với một tổng thống không xuất thân từ chính trị và có ít đồng minh trong Quốc hội hay sự ủng hộ của lãnh đạo các địa phương”, vị chuyên gia nhận xét.
Giám đốc Lucas Romero của công ty tư vấn chính trị Synopsis ở Buenos Aires cho rằng phản ứng của người dân Argentina đối với vụ bê bối tiền lương của ông Milei có thể sẽ được quyết định bởi việc ông có thể xoay chuyển nền kinh tế nhanh chóng như thế nào.
Giới chuyên gia dự báo lạm phát tháng 2 ở Argentina là 15%, giảm so với mức 20,6% ghi nhận trong tháng 1 nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.
“Nếu mọi người nhận thấy nền kinh tế có dấu hiệu được cải thiện, vụ bê bối có thể lắng xuống. Nhưng nếu Chính phủ không cho thấy kết quả tích cực nào, nguời dân sẽ nổi giận”, ông Romero nhận định.