Chính phủ điều tra khả năng KMA vi phạm luật
Hôm 19.6, Ủy ban Thương mại công bằng (FTC) của Hàn Quốc đã xúc tiến một cuộc điều tra đối với Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) – tổ chức các bác sĩ lớn nhất nước này, một ngày sau khi KMA tổ chức một cuộc đình công quy mô lớn trên toàn quốc và một cuộc biểu tình tập trung khoảng 12.000 bác sĩ ở Yeouido, Seoul.
Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát, FTC sẽ chịu trách nhiệm làm rõ xem KMA có vi phạm Đạo luật Thương mại công bằng hay không; đồng thời đã cử các nhà điều tra đến trụ sở KMA để thu giữ mọi tài liệu liên quan đến cuộc biểu tình.
Cuộc điều tra được tiến hành hai ngày sau khi Bộ Y tế và Phúc lợi đưa ra báo cáo nói rằng KMA đã xúi giục và thậm chí là cưỡng chế các bác sĩ đa khoa tham gia cuộc đình công. FTC đang xem xét khả năng KMA gây áp lực đối với các bác sĩ bằng cách hạn chế hoạt động điều trị y tế của những bác sĩ này. Yếu tố chính quyết định liệu KMA có vi phạm Đạo luật Thương mại công bằng hay không phụ thuộc vào việc liệu có chứng minh được KMA đã gây sức ép hoặc cưỡng chế các thành viên của mình tham gia vào cuộc đình công tập thể hay không. Về mặt này, FTC đang xem xét các tin nhắn văn bản và thư từ KMA gửi cho các thành viên của mình.
“Hiện tại, chúng tôi chưa thể xác nhận bất cứ điều gì vì cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn. Chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết nếu phát hiện thấy bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào”, một quan chức FTC cho biết.
Bộ Y tế mô tả cuộc đình công mới nhất là hành động “từ chối điều trị bệnh nhân một cách bất hợp pháp”, đồng thời tuyên bố sẽ phản ứng nghiêm khắc với hành động này dựa trên luật pháp liên quan.
Bộ cũng tuyên bố rằng KMA có thể phải đối mặt với nguy cơ giải thể nếu tiếp tục các hoạt động trái với mục đích thành lập. “KMA là cơ quan được thành lập theo luật định, chịu trách nhiệm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Việc từ chối điều trị cho bệnh nhân một cách tập thể là trái với mục đích này”, ông Jeon Byung-wang, một thành viên của Bộ Y tế cho biết trong cuộc họp báo hôm 18.6.
“Nếu KMA tiếp tục những hành vi gây ra tình trạng gián đoạn dịch vụ y tế, chính phủ có thể yêu cầu chấn chỉnh, thay đổi người đứng đầu hoặc giải tán tổ chức”, ông cảnh báo.
Trong một nỗ lực gia tăng áp lực đối với phong trào đình công, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu cảnh sát mở cuộc điều tra đối với khoảng 1.000 bác sĩ bị nghi ngờ có liên quan đến vụ hối lộ của một công ty dược phẩm. Cảnh sát Seoul đã tiến hành điều tra Công ty dược phẩm Korean Drug vì tình nghi hối lộ để các bác sĩ kê đơn các sản phẩm thuốc của công ty cho bệnh nhân. Đến nay, đã có 8 quan chức của công ty dược phẩm và 14 bác sĩ bị bắt liên quan đến cuộc điều tra này.
KMA tuyên bố sẽ đình công vô thời hạn
Bất chấp áp lực ngày càng tăng, KMA đe dọa sẽ tiến hành một cuộc đình công vô thời hạn vào ngày 27.6 trừ khi chính phủ chấp nhận yêu cầu của họ.
KMA đã yêu cầu chính phủ xem xét lại việc tăng chỉ tiêu của trường y và hủy bỏ tất cả các biện pháp hành chính mà họ đưa ra để trừng phạt các bác sĩ thực tập sinh đã nghỉ việc kể từ cuối tháng 2 để phản đối quyết định tăng chỉ tiêu.
Tổ chức này cũng kêu gọi sửa đổi một số kế hoạch của chính phủ nhằm cải thiện các lĩnh vực điều trị y tế thiết yếu.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ quan điểm cho rằng việc chấp nhận yêu cầu này là không khả thi vì các biện pháp trừng phạt đối với bác sĩ thực tập sinh đã được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật có liên quan và Kế hoạch bổ sung khoảng 1.500 sinh viên y khoa mới đã được hoàn thiện từ tháng trước.
Trong khi đó, có thông tin cho rằng, các bác sĩ không hoàn toàn thống nhất cho cuộc đình công vô thời hạn vào ngày 27.6. Một số thành viên cấp cao của KMA đưa ra khiếu nại rằng quyết định này được Chủ tịch KMA Lim Hyun-taek đơn phương đưa ra mà không tham khảo ý kiến thành viên hoặc đúng thủ tục.
Ngoài ra, Park Dan, lãnh đạo Hiệp hội thực tập sinh Hàn Quốc, một nhóm bác sĩ thực tập sinh, đã từ chối tham gia vào Ủy ban Phản ứng toàn cộng đồng y tế do KMA mới thành lập.