Phúc Thọ sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội

Xứng đáng vành đai xanh của Thủ đô

- Thứ Bảy, 30/06/2018, 08:07 - Chia sẻ
Năm 2008, huyện Phúc Thọ được sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH, ngày 29.5.2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. Sau 10 năm, từ một huyện thuần nông nghèo khó, Phúc Thọ đã có sự đổi thay toàn diện, vươn lên xứng đáng là vành đai xanh của Thủ đô.

Điểm sáng chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trước đây, điều kiện cơ sở hạ tầng của huyện Phúc Thọ rất nhiều hạn chế, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6,4 triệu đồng/năm. Từ khi hợp nhất về Hà Nội, Phúc Thọ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Kinh tế cũng theo đó có những đột phá, phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày một nâng cao, mức thu nhập hiện đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.

Một góc nông thôn huyện Phúc Thọ Ảnh: Đào Cảnh

Nói về những thành quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh về những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp. Người dân Phúc Thọ xưa nghèo vì nông nghiệp lạc hậu thì nay đang giàu lên nhờ nông nghiệp. Trước kia, nông dân canh tác các loại giống lúa, hoa màu giá trị kinh tế thấp bằng phương pháp thủ công nên năng suất không cao. Từ khi sáp nhập về Hà Nội, nhờ nguồn vốn từ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Phúc Thọ được đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao.

Về Phúc Thọ bây giờ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh những cánh đồng mẫu lớn với giống lúa hàng hóa năng suất tăng thêm hàng chục triệu đồng/ha/vụ là những mô hình: Hoa Ly đạt 2,8 - 3 tỷ đồng/ha/năm, gấp trên 60 lần so với trồng lúa; rau an toàn đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả từ 352ha nay toàn huyện có hơn 850ha, giá trị thu nhập đạt từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên, chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô lớn ngày càng nhiều… Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình thực hiện trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo quy trình không chỉ làm gia tăng năng suất mà còn bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Phúc Thọ nay trở thành địa chỉ cung cấp khối lượng thực phẩm lớn và đa dạng cho thị trường Hà Nội.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, từ khi sáp nhập về Hà Nội, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Phúc Thọ cũng có cơ hội phát triển. Điển hình như Tam Hiệp nay là một trong những xã phát triển bậc nhất của huyện. Bí thư Đảng ủy xã Trần Huy Huấn chia sẻ, điều được nhất là địa phương được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Từ những tuyến đường làng nghề, đường tránh làng nghề, các trạm biến áp và đường dây của hệ thống điện được đầu tư để hoạt động sản xuất, giao thương của bà con làm nghề thuận lợi. “Thu nhập bình quân đầu người của xã Tam Hiệp hiện là 43,5 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với 10 năm trước. Toàn xã có hàng trăm chiếc ô tô các loại. Nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng. Nếu không có quyết sách của QH đưa Phúc Thọ về Thủ đô thì địa phương chúng tôi khó có thể phát triển như bây giờ” - ông Huấn phấn khởi cho biết.

Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch

 Có người dân Phúc Thọ nói rằng: “Người xa quê lâu năm trở về khó nhận ra quê hương, bởi sự đổi thay có lẽ quá nhanh chóng”. Một trong những điều mà người dân Phúc Thọ luôn biết ơn là được về với Thủ đô và thụ hưởng chính sách từ Chương trình xây dựng NTM và công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn thành phố. Đây là bước ngoặt lớn làm thay đổi mọi mặt đời sống ở tất cả xã, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, Phúc Thọ đang nỗ lực đưa hai xã còn lại là Xuân Phú và Thượng Cốc về đích NTM và phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào cuối năm nay.

Trước những thành quả đạt được sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho rằng, huyện còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo ông Phú, con người là nhân tố quyết định mọi thành bại trong thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào. Do đó, muốn địa phương phát triển bền vững, xứng đáng là thành viên của Thủ đô thì trước hết ở từng Đảng viên, cán bộ và người dân phải có nhận thức, thái độ và hành động giữ được nếp văn minh, thanh lịch vốn có của Hà Nội.

Chính vì vậy, những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện Phúc Thọ đặc biệt chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, chất lượng giáo dục đặt lên hàng đầu, bảo vệ môi trường và bảo đảm trật tự xã hội. Phong trào “3 sạch”, nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch ở Phúc Thọ đến nay chẳng còn xa lạ với bạn bè gần xa. Còn nhớ, trong lần tình cờ đi trên tuyến đường phụ nữ tự quản tại xã Phụng Thượng, chị Trần Thị Liên (cụm dân cư số 7) chia sẻ với chúng tôi rằng, sáng nào chị cùng chị em phụ nữ cũng quét dọn để giữ đường sạch sẽ. Cây xanh hai bên đường cũng do nhân dân trồng theo phát động “ngõ xóm văn minh, xanh, sạch, đẹp” của xã. Cứ 3 hộ dân mua chung 1 thùng đựng rác và cùng nhau tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ 7 hàng tuần. Các hộ dân trên địa bàn xã Phụng Thượng cũng như huyện Phúc Thọ đều ý thức rất cao việc bảo vệ môi trường sống.

Cùng với việc hoàn thiện, củng cố các thiết chế văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng NTM và thi đua “người tốt, việc tốt” được triển khai đồng bộ, rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân huyện Phúc Thọ. Bí thư Huyện ủy Hoàng Mạnh Phú đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là giáo dục thế hệ trẻ trong thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh. Bởi vì, nếu thế hệ trẻ nhiệt huyết thì sẽ thực hiện tốt mọi nhiệm vụ phát triển KT - XH mà Trung ương, thành phố cũng như huyện đề ra.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho rằng, dù đã đạt nhiều thành quả tích cực, song các địa phương cần tập trung hơn nữa để giữ ổn định chính trị, luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH. Đặc biệt, xác định rõ vị trí, trách nhiệm của huyện đối với Thủ đô để đưa Phúc Thọ ngày càng phát triển giàu mạnh, đúng hướng.

ĐÀO CẢNH