Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Ba Vì đối mặt nhiều khó khăn

- Thứ Bảy, 26/05/2018, 07:20 - Chia sẻ
Đã hết nửa chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 nhưng huyện Ba Vì, TP Hà Nội hiện mới có 13/30 xã đạt chuẩn. Bên cạnh thiếu và yếu nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tiêu chí cứng, đặc biệt là nhà văn hóa, thì các tiêu chí về nâng cao thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức lại sản xuất, môi trường… của huyện cũng còn khá gian nan.

16 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập

 “Năm nay, huyện Ba Vì tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nông sản có năng suất, chất lượng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, phấn đấu năm 2018 hoàn thành NTM ở 2 xã Chu Minh và Phú Cường, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 15/30 xã. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm mới để nâng cao thu nhập, giảm dần hộ nghèo theo chuẩn mới”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần

Với đặc điểm là huyện khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc, xa trung tâm Thủ đô, Ba Vì là địa phương có tốc độ thực hiện xây dựng NTM chậm nhất Hà Nội. Đến nay, toàn huyện mới có 13/30 xã đạt chuẩn NTM. Trong số những xã chưa về đích thì 6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có xã mới đạt 7 - 8 tiêu chí và có đến 16 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập.

Ba Vì là một trong những xã miền núi khó khăn, nhiều đồng bào DTTS nhất của huyện. Đến nay, xã mới đạt 8/19 tiêu chí, 3 tiêu chí cơ bản đạt và 8 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, tiêu chí thu nhập, lao động việc làm vô cùng nan giải. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, xã hiện chỉ có 21ha đất trồng lúa, địa hình chủ yếu là đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, nên sản xuất bấp bênh, nguồn lương thực chỉ bảo đảm 3 tháng. Thu nhập bình quân của xã đến nay mới đạt hơn 14 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 28%. Theo ông Liên, chỉ có khoảng 1/4 lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Do đó, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo là nhiệm vụ rất khó khăn. Bên cạnh các tiêu chí trên, xã Ba Vì hiện chưa có cấp trường nào đạt chuẩn. Đối với cơ sở vật chất văn hóa, xã có 3 thôn đều đã xây dựng nhà văn hóa, chỉ còn thiếu thiết chế văn hóa, trang thiết bị và sân thể thao. Nhà văn hóa trung tâm xã đã có quy hoạch với mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng nhưng đến nay chưa triển khai do không có kinh phí.

ĐMột số gia đình ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì làm thêm nghề thuốc nam để nâng cao thu nhập
Ảnh: Đào Cảnh

Giống như xã Ba Vì, xã Khánh Thượng cũng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn, diện tích đất chủ yếu là lâm nghiệp, ít nghề phụ nên thu nhập của người dân bấp bênh. Hiện nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ xếp sau Ba Vì, với 10,06%. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Thịnh, Khánh Thượng mới có 9/19 tiêu chí đạt, còn lại có mức đạt rất thấp. Cụ thể: Xã có 13 thôn thì 6 thôn chưa có hệ thống mạng, chỉ có 6 nhà văn hóa thôn; toàn xã có 1 trường THCS và 1 trường tiểu học A đạt chuẩn, còn lại trường tiểu học B và 2 điểm trường mầm non chưa được đầu tư, hạ tầng chưa bảo đảm. Khánh Thượng cũng chưa được đầu tư điểm thu gom rác để đáp ứng tiêu chí môi trường.

Khó khăn của hai xã Ba Vì và Khánh Thượng cũng là khó khăn chung ở các xã chưa đạt chuẩn trên địa bàn huyện Ba Vì. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Trúc Phong, các xã Chu Minh, Phú Cường năm 2018 phấn đấu về đích cũng mới đạt 12/19 tiêu chí. Cả hai xã này vẫn đang vướng tiêu chí về cơ sở vật chất trường học; thu nhập cũng mới đạt 37 triệu đồng/người/năm (trong khi mục tiêu năm 2018 là 41 triệu đồng/người/năm).

Cần hỗ trợ nhiều mặt

Thực tế cho thấy, đối với các địa phương miền núi, địa hình rộng, dân cư phân bố rải rác thì việc thực hiện các tiêu chí cần nhiều kinh phí là vô cùng khó khăn. Sự không thuận lợi trong canh tác sản xuất khiến các tiêu chí thu nhập, lao động việc làm, hộ nghèo trở nên nan giải, cần sự hỗ trợ cả về nguồn lực và định hướng của các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Trúc Phong cho biết, xây dựng một trường học đạt chuẩn có khi mất vài chục tỷ đồng, một nhà văn hóa cũng vài tỷ đồng. Trong khi đó, hạ tầng ở Ba Vì còn thiếu rất nhiều, hiện 13/30 xã chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất trường học, 30/30 xã chưa có trung tâm văn hóa xã, rất nhiều thôn chưa có nhà văn hóa… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách hạn chế, chưa huy động và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Các xã cũng chưa chủ động xây dựng kế hoạch khai thác nguồn lực từ đất để xây dựng NTM, mà vẫn chủ yếu trông chờ vào kinh phí hỗ trợ từ cấp trên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Dần cho hay, Ba Vì chủ trương chỉ đạo các xã thực hiện và gìn giữ các tiêu chí cần ít kinh phí. Bên cạnh đó, huyện sẽ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố, chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách huyện để hỗ trợ đồng bào cải tạo hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn để bà con có thêm nghề phụ, nâng cao thu nhập. Huyện cũng mong muốn thành phố tiếp tục có cơ chế chính sách huy động nguồn lực và ưu tiên phân bổ kinh phí cho các xã phấn đấu về đích NTM năm 2018; ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, xem xét bổ sung quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo Nghị quyết 25 của thành phố để tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập.

ĐÀO CẢNH