Chính quyền và nhân dân cùng xây dựng vị thế nông nghiệp công nghệ cao

- Chủ Nhật, 28/08/2022, 06:22 - Chia sẻ

Gia Lai có vị trí trung tâm khu vực Tây Nguyên, có diện tích đất lớn và khí hậu đặc trưng, là vùng hoàn toàn phù hợp phát triển nông nghiệp với quy mô lớn, hiện đại. Tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các hộ dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Triển khai đồng bộ đến từng hộ nông dân

Năm 2022, Gia Lai đặc biệt chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chủ lực nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, thiết lập mạng lưới phân phối, tiêu thụ và xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng ra thị trường quốc tế. Góp phần vào chiến lược chung, nhiều chương trình, kế hoạch giúp hộ gia đình từng bước chuyển đổi từ tập quán sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, phục vụ chuỗi giá trị.

Đại diện UBND huyện Chư Pưh cho biết, những năm gần đây, huyện tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách chuyển đổi những diện tích hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả. Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện xây dựng các chuỗi giá trị liên kết cây ăn quả giữa nông dân và doanh nghiệp. Huyện đang tiếp tục nhân rộng các chuỗi liên kết đã phát huy hiệu quả ở các xã, thị trấn đồng thời mở rộng diện tích đối với cây dược liệu, nấm bào ngư, sầu riêng, bơ VietGAP; hình thành các vùng chuyên canh có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và mã vùng để hướng đến mục tiêu xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả từ các loại cây trồng và thu nhập của người dân.

Còn tại huyện Đak Pơ, hiện có diện tích rau xanh lớn nhất tỉnh với hoảng 6.500ha/năm, sản lượng bình quân đạt trên 100.000 tấn/năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trồng rau trong nhà màng, nhà kính theo phương pháp thủy canh. Huyện xác định tiếp tục phát triển vùng rau, cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, khuyến khích người dân đầu tư phát triển nhà màng, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP và nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhãn hiệu chứng nhận “rau Đak Pơ”.

Tại huyện Chư Sê, được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, nhiều gia đình nông dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm khoai tây để kiểm chứng sự phù hợp của khí hậu, thổ nhưỡng. Qua thu hoạch cho thấy, cây khoai tây rất phù hợp và dễ dàng đáp ứng quy cách sản phẩm chất lượng cao của các nhà thu mua  đặt ra. Nhờ vậy nhiều gia đình thu hoạch tới 33 - 35 tấn khoai tây/ha, lợi ích kinh tế mang lại khá cao.

Người  nông dân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp cao cùng doanh nghiệp
Người nông dân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp cao cùng doanh nghiệp
Nguồn: ITN

Tập trung xây dựng trụ cột kinh tế địa phương

Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Gia Lai đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột kinh tế chính của tỉnh.

Nông nghiệp đã từng bước thay đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu… Để triển khai kế hoạch, tỉnh thực hiện chiến lược thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp tại địa phương, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. 

Đến giữa năm 2022, Gia Lai đã thu hút được hơn 258 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp, hình thành 18 vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả, hồ tiêu, cà phê, sản xuất rau hoa và dược liệu với tổng diện tích gần 3.500ha. Trong số này, có 14 vùng trồng cây ăn quả; 1 vùng trồng hồ tiêu giống và thương phẩm; 1 vùng trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic USDA; 1 vùng sản xuất giống rau, hoa và 1 vùng sản xuất dược liệu. Nông sản của địa phương được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.

Kết quả này được xem là hướng đi phù hợp, hiệu quả để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung, cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế địa phương, tập trung triển khai phát triển theo hướng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhất là các ngành chủ lực có điều kiện cũng như lợi thế về thị trường. Tỉnh đã tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch. Đẩy mạnh xây dựng các vùng cây trồng có lợi thế phát triển gắn với chế biến sâu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, hình thành và đi vào hoạt động các khu, vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ khơi thông các cơ chế, chính sách, tỉnh Gia Lai đang quyết tâm trở thành một trong những thủ phủ của nông nghiêp công nghệ cao tại Việt Nam.

Mỹ Ngọc