Quan điểm, quyết sách đã rõ ràng...

- Thứ Năm, 25/06/2020, 22:28 - Bản đầy đủ
Đầu tháng 4.2020, tại Phiên họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh phải phân tích, đánh giá từng dự án để có phương án khả thi nhất làm rõ dự án nào cần hỗ trợ để có thể phục hồi, dự án nào cần xử lý kiên quyết, cho dừng hoạt động để phá sản...

Đến nay, 12 dự án của ngành công thương vẫn là những điển hình về đội vốn, không hiệu quả và nan giải trong xử lý hậu quả. Nói như một đại biểu Quốc hội là mỗi ngày "mở mắt ra" mất một chiếc ô tô - nhưng quan trọng hơn là giải quyết như thế nào.

Sẽ là rất khó bởi sau hơn 2 năm thực hiện Đề án số 1468/QĐ-TTg về xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, hiện mới chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế. 2 dự án, doanh nghiệp giảm lỗ nhưng chưa bền vững; 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại; 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động...

Còn nhớ vài năm trước khi trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công thương từng nói, điều chúng ta lo ngại không chỉ là giá trị rất lớn của các dự án này sẽ bị lãng phí mà còn phải tìm ra căn bệnh, căn nguyên để có biện pháp xử lý, khắc phục... Vậy nhưng hiện vẫn không có giải trình, không thấy trách nhiệm... Cũng bởi vậy mà tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kế hoạch và phương án tổng thể xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương diễn ra hôm 24.6, dù ghi nhận nỗ lực của Ban chỉ đạo khi đến nay một số dự án được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp, nhưng Thủ tướng cũng đề nghị tổ công tác báo cáo Ban chỉ đạo để xem xét xử lý từng dự án cụ thể cũng như báo cáo Thường trực Chính phủ với tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước. Nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý…

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có quyết sách rõ ràng từng dự án, cái nào phục hồi, cái nào phá sản. Phát hiện sai đến đâu, xử lý đến đó; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý các dự án này...

Như vậy, dù việc khắc phục những tồn tại này là rất khó và còn nhiều vướng mắc nhưng đã đến lúc phải làm - với quan điểm rõ ràng, dứt khoát - như Thủ tướng đã nêu là phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật, đừng để mất cán bộ rồi giờ tiếp tục mất cán bộ nữa do sơ suất vận dụng pháp luật. Không thể đổ lỗi cho khóa trước hay khóa sau và phải cùng chịu trách nhiệm.

Quan điểm xử lý đã rõ ràng. Vấn đề còn lại là triển khai thực hiện như thế nào.

Linh Trang

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP