Thực sự tâm huyết, thực sự cầu thị!

- Thứ Tư, 14/09/2022, 09:15 - Chia sẻ

Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến 1.7.2021, thực hiện tại 8 bộ, ngành; 6 địa phương và báo cáo của 55/63 UBND tỉnh, thành phố; 17/19 bộ ngành, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp.

Đặc biệt, có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, sắp nghỉ chế độ, bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Bên cạnh đó, việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thấp; chủ yếu ủy quyền cho cấp phó.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa bảo đảm so với quy định. Tỷ lệ bình quân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 38%, chủ tịch tỉnh đạt 56%, chủ tịch huyện đạt 94%, chủ tịch xã đạt 49% so với quy định. Thủ trưởng một số cơ quan còn ủy quyền hoặc giao cho cấp phó tiếp thay còn khá phổ biến - Báo cáo nhận định.

Ngoài ra, kết quả giám sát cũng cho thấy, quy định về thống kê báo cáo, số liệu tiếp công dân của người đứng đầu chưa rõ ràng, không có trong biểu mẫu, phụ lục thống kê dẫn đến số liệu không chính xác, độ tin cậy không cao.

Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã được quy định trong luật. Tuy nhiên, thực tế đã không bảo đảm số lượng các buổi tiếp chứ chưa nói đến hiệu quả. Có thể việc này, như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là rất khó, rất đụng chạm. Là có tình trạng ngại tiếp dân, trốn tránh tiếp dân. Tuy vậy, chắc chắn không thể không thực hiện bởi đây là quy định.

Và để thực hiện tốt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phải thực sự tâm huyết, thực sự cầu thị và phải chuẩn bị rất kỹ. Lịch tiếp công dân công khai mà không có người dân đến là do lịch công khai trong cơ quan nhưng bên ngoài bảo vệ gác thì ai đến được, biết tiếp lúc nào?  Kinh nghiệm của tôi là mời đoàn luật sư, chủ tịch đoàn luật sư, chủ tịch hội luật gia cùng tiếp công dân. Lúc đó, luật gia, luật sư trực tiếp trả lời, giải thích cho người dân sẽ rất ổn. Những người có kinh nghiệm, hiểu biết hòa giải cơ sở tham gia tiếp dân ở xã, phường cũng rất tốt - Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định chia sẻ.

Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề có cần xem lại các quy định về tiếp công dân không vì mỗi năm, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm tiếp công dân bao nhiêu ngày. Cần xem quy định pháp luật phù hợp nhưng không thực hiện được hay là quy định pháp luật không phù hợp? Có cách nào tăng cường trách nhiệm người đứng đầu khả thi không? Ngoài thủ trưởng còn có cấp phó thì cấp phó thay được không? Cấp phó mà nay anh này, mai anh khác tiếp, một vụ việc không liên tục được không?

Luật Tiếp công dân đã quy định rõ Chủ tịch UBND xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong một tuần, Chủ tịch UBND huyện tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Vấn đề còn lại là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện trách nhiệm như thế nào. Như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì luật pháp đầy đủ, khả thi rồi thì phải tổ chức thực hiện, còn luật ban hành mà làm không nổi là do yêu cầu quá cao, chưa có phương thức cụ thể thì phải có nghiên cứu, đề xuất.

Khương Ninh
#